Hãy là người đầu tiên thích bài này
Tái định vị thị trường - hướng đi bền vững cho ngành lúa gạo

Trong bối cảnh thị trường xuất khẩu đầy biến động, việc phụ thuộc vào một số thị trường chủ lực đang trở thành điểm nghẽn cho sự phát triển của ngành lúa gạo Việt Nam. Đã đến lúc tái định vị chiến lược thị trường, khai thác hiệu quả các thị trường ngách và thúc đẩy liên kết giữa các doanh nghiệp nhằm nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh cho gạo Việt trên trường quốc tế.

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, trong 4 tháng đầu năm 2025, Việt Nam xuất khẩu gần 3 triệu tấn gạo, thu về hơn 1,95 tỷ USD, tăng 36% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, hơn 60% sản lượng vẫn phụ thuộc vào một số thị trường chủ lực như Philippines, Indonesia và Trung Quốc. Điều này khiến ngành gạo Việt dễ bị tổn thương khi các thị trường này thay đổi chính sách nhập khẩu hoặc tự tăng cường sản xuất nội địa.

Có tới 60% sản lượng xuất khẩu vẫn phụ thuộc vào một số thị trường chủ lực như Philippines, Indonesia và Trung Quốc

TS. Nguyễn Đình Bích, chuyên gia phân tích thị trường nông sản cho rằng, sự phụ thuộc lớn vào một vài thị trường dễ tạo nên cú sốc nếu có biến động chính sách. Ngoài ra, khi chỉ đáp ứng thị trường dễ tính, doanh nghiệp Việt khó có động lực cải thiện chất lượng, truy xuất nguồn gốc hay xây dựng thương hiệu, đây là những yếu tố cốt lõi để bước vào các thị trường cao cấp.

Trên thực tế, phần lớn gạo xuất khẩu của Việt Nam hiện nay vẫn là gạo trắng, gạo thường nên có giá trị gia tăng thấp. Trong khi đó, các loại gạo thơm, gạo đặc sản như ST24, ST25 hay gạo hữu cơ vẫn chiếm tỷ trọng nhỏ, chưa được phát triển đúng tiềm năng.

Dư địa phát triển cho ngành gạo Việt vẫn rất lớn nếu biết cách tái định vị thị trường và tận dụng các phân khúc ngách có giá trị cao. EU, Nhật Bản, Hàn Quốc hay các quốc gia Trung Đông đang mở rộng nhập khẩu gạo chất lượng cao, có chứng nhận an toàn và truy xuất nguồn gốc rõ ràng.

Nhận thức được vấn đề này, Công ty TNHH Nông sản Hưng Phát (Long An) cho biết, doanh nghiệp đang chuyển hướng sang các dòng gạo hữu cơ, gạo cho người ăn kiêng và gạo đóng gói cao cấp.

Ông Trần Văn Thắng, Giám đốc cho biết, tuy thị phần cho các loại gạo nói trên còn nhỏ, nhưng lợi nhuận cao và ổn định hơn. Đặc biệt, các thị trường như Đức, Hà Lan hay UAE rất quan tâm đến yếu tố môi trường và an toàn thực phẩm.

Gạo đặc sản như ST24, ST25 hay gạo hữu cơ vẫn chiếm tỷ trọng nhỏ

Ngoài ra, khu vực châu Phi và các nước Hồi giáo cũng là những thị trường tiềm năng chưa được khai thác đúng mức. Theo thống kê của Tổ chức Lương thực Thế giới (FAO), châu Phi hiện nhập khẩu trên 17 triệu tấn gạo mỗi năm, trong đó có nhiều nước ưu tiên nhập khẩu từ các quốc gia có giá cạnh tranh và chất lượng ổn định.

Bên cạnh tái định vị thị trường, các chuyên gia cho rằng điều kiện tiên quyết để phát triển ngành gạo bền vững là phải hình thành chuỗi liên kết chặt chẽ giữa nông dân - hợp tác xã - doanh nghiệp - nhà phân phối.

Cần tập trung hình thành chuỗi liên kết chặt chẽ giữa nông dân - hợp tác xã - doanh nghiệp - nhà phân phối

TS. Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn phân tích, việc sản xuất gạo hiện còn rời rạc, manh mún và thiếu đồng bộ từ giống, quy trình canh tác đến chế biến và xuất khẩu. Muốn nâng cao giá trị, phải tổ chức lại chuỗi giá trị, trong đó doanh nghiệp đóng vai trò "nhạc trưởng", còn nông dân và hợp tác xã là mắt xích không thể thiếu.

Mô hình liên kết theo chuỗi giá trị đã được áp dụng hiệu quả ở một số địa phương như An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ… với các cánh đồng lớn, áp dụng công nghệ cao, giảm trung gian và tăng giá trị sản phẩm cho người nông dân.

Đặc biệt, trong xu hướng toàn cầu hóa và chuyển đổi số, việc ứng dụng công nghệ vào truy xuất nguồn gốc, quản lý chất lượng và thương mại điện tử cũng là một hướng đi mới giúp đưa gạo Việt vươn xa hơn, nhất là trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến yếu tố minh bạch và bền vững.

Theo ông Trần Quốc Tuấn, Chuyên gia thị trường, Thương hiệu gạo quốc gia cần đi kèm hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn và truyền thông đồng bộ. Chúng ta không thể chỉ dừng ở giải thưởng quốc tế cho ST25 mà cần có chiến lược quốc gia để đưa gạo Việt trở thành lựa chọn của người tiêu dùng toàn cầu. Muốn xây dựng thương hiệu gạo quốc gia, bên cạnh nỗ lực của doanh nghiệp, cần có chính sách hỗ trợ dài hạn từ phía Nhà nước. Trong đó, đầu tư cho giống lúa chất lượng cao, quy hoạch vùng trồng gắn với chế biến sâu và ưu đãi cho các doanh nghiệp sản xuất xanh - sạch - bền vững là yếu tố then chốt.

Doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cần có chính sách hỗ trợ dài hạn từ phía Nhà nước

Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt, chỉ khi chuyển từ tư duy “bán gạo” sang “bán giá trị gia tăng”, từ “sản xuất manh mún” sang “liên kết chuỗi” thì ngành lúa gạo Việt Nam mới có thể vững vàng trước biến động và vươn lên thành thế lực thực sự trên bản đồ lương thực thế giới.

Đức Hiền-Link gốc

Bình luận

Chưa có bình luận
Hãy là người đầu tiên bình luận cho bài viết này.

FIREANT MEDIA AND DIGITAL SERVICE JOINT STOCK COMPANY

Giấy phép MXH số 251/GP-BTTTT do Bộ TTTT cấp ngày 23/05/2022
Chịu trách nhiệm nội dung: Ngô Minh Long. Hotline: 1900.633.543