Các doanh nghiệp ngành logistics Việt Nam đang phải đối mặt với sự biến động của kinh tế toàn cầu từ việc đứt gãy chuỗi cung ứng, chi phí vận tải tăng đến những rào cản về thuế carbon và tiêu chuẩn Môi trường, Xã hội, Quản trị (ESG) của Liên minh châu Âu (EU).
Bốc xếp hàng hóa tại cảng Hải Phòng. (Ảnh: TRẤN QUỐC)
Đây vừa là thách thức, cũng là thời cơ cho các doanh nghiệp ngành này chuyển đổi xanh để bứt phá, tái định vị trong cuộc đua phát triển bền vững toàn cầu.
Tuy nhiên, để hiện thực hóa mục tiêu nêu trên, các doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước thông qua các chính sách phát triển hạ tầng bền vững, tài chính xanh, quản trị phát thải...
Cơ hội và thách thức
Ngành vận tải, đặc biệt là vận tải biển hiện đang là nguồn phát thải cao trong lĩnh vực logistics do mức tiêu thụ nhiên liệu lớn, cho nên áp lực xanh hóa với ngành đã rất rõ ràng. Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) đặt yêu cầu phải chuyển đổi sang nhiên liệu ít phát thải, ít gây tác động đến môi trường, hướng tới mục tiêu giảm phát thải ròng về mức 0 vào năm 2050. Đây được xem là cơ hội để Việt Nam có thể đón đầu xây dựng mô hình logistics xanh và bền vững. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), tốc độ tăng trưởng logistics Việt Nam đạt 16%/năm, năm 2023 Việt Nam đã đứng thứ 43 trong xếp hạng chỉ số hiệu quả logistics và thuộc nhóm 5 nước dẫn đầu ASEAN.
Phó Cục trưởng Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) Trần Thanh Hải cho rằng, logistics xanh thông qua đầu tư phương tiện vận tải tiết kiệm nhiên liệu, dùng container thông minh, tối ưu hóa lộ trình và số hóa quản lý kho bãi không chỉ hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, mà còn giúp doanh nghiệp giảm chi phí dài hạn trước bối cảnh giá dầu và chi phí vận tải biến động khó lường. Ngoài ra, đây cũng là tiêu chuẩn mới của các thị trường xuất khẩu, nhất là khi EU đã triển khai cơ chế CBAM áp thuế hàng hóa có phát thải cao. Do đó, khi các doanh nghiệp ngành logistics Việt Nam sở hữu các chứng chỉ xanh cũng chính là đang tạo ra lợi thế riêng cho mình trong thị trường cạnh tranh đầy khốc liệt hiện nay.
Thực tế ngành logistics Việt Nam đang có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển khi Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đầu tư, mở rộng xây dựng hạ tầng cơ bản, đặc biệt là giao thông nhằm giúp doanh nghiệp vận tải tiết kiệm thời gian, chi phí vận chuyển. Cùng với đó, với quy mô thị trường bán lẻ trên các nền tảng thương mại điện tử đang ngày càng bùng nổ (đạt 25 tỷ USD vào năm 2024, tăng 20% so với năm trước) sẽ là động lực phát triển, là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp logistics tận dụng. Tuy nhiên, hành trình xanh hóa logistics tại Việt Nam không hề dễ dàng khi nhận thức, thói quen và hạ tầng chưa thực sự đáp ứng tốt cho sự phát triển của phương tiện "vận chuyển xanh".
Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Phúc Khang Lưu Thị Thanh Mẫu chỉ ra rằng, cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 đang đặt doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ trước áp lực lớn trong việc xanh hóa chuỗi cung ứng. Hiện chi phí đầu tư công nghệ xanh, phương tiện vận tải tiết kiệm năng lượng hay hệ thống quản trị phát thải đòi hỏi nguồn vốn lớn, trong khi phần lớn doanh nghiệp thiếu nguồn lực và chuyên môn cần thiết trong việc lựa chọn công nghệ phù hợp với tài chính và khả năng tích hợp. Cùng với đó, việc thiếu đội ngũ chuyên gia có kiến thức chuyên sâu và kỹ năng triển khai thực tế cũng khiến ứng dụng công nghệ xanh gặp trở ngại.
Cần sự phối hợp từ nhiều bên
Rõ ràng, mọi lĩnh vực mới đều đối mặt với khó khăn, thách thức, nhưng chuyển đổi xanh giờ đây không chỉ là xu hướng mà trở thành yêu cầu bắt buộc để phát triển kinh tế bền vững. Do đó, thay vì chùn bước trước khó khăn, các doanh nghiệp cần tìm ra lộ trình phù hợp để thích nghi và tiến xa. Chủ tịch Macstar Group Trần Tiến Dũng cho biết, từ năm 2023 Macstar Group đã đầu tư tàu lớn, thành lập nhóm vận tải thủy nội địa và ven biển, thử nghiệm kết nối tuyến Hải Phòng-Ninh Bình bằng tàu thủy để lưu thông.
Điều này không chỉ giúp Macstar Group tiết kiệm chi phí, giảm một nửa thời gian và tăng sức chở đáng kể, mà còn góp phần xây dựng hình ảnh "xanh" trong mắt đối tác toàn cầu. Macstar Group đang tiếp tục hợp tác với các đối tác nghiên cứu tàu chở lớn hơn, sử dụng nhiên liệu thân thiện môi trường như pin năng lượng mặt trời, hydrogen xanh nhằm tiết kiệm chi phí logistics hơn, giảm phát thải carbon ra môi trường. Tuy nhiên, để ứng dụng hiệu quả, doanh nghiệp rất cần hỗ trợ từ Nhà nước về tiêu chuẩn kỹ thuật và hướng dẫn áp dụng công nghệ mới...
Phó Chủ tịch Ủy ban Vận tải và Logistics thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) Koen Soenens cho rằng, tại Việt Nam, hạ tầng logistics chưa đồng bộ, chính sách thiếu nhất quán và quy định chưa rõ ràng đang cản trở quá trình chuyển đổi xanh. Vì vậy, rất cần sự phối hợp, chung tay giữa Nhà nước, doanh nghiệp và các bên liên quan để cùng nhau tạo ra một hệ sinh thái logistics bền vững. Áp lực từ xu hướng xanh hóa toàn cầu sẽ là động lực quan trọng để Việt Nam xây dựng hệ thống logistics hiện đại, bền vững, tạo nền tảng cho kinh tế xanh.
Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công nhấn mạnh, phát triển logistics xanh trở thành lợi thế quan trọng để doanh nghiệp Việt Nam đi nhanh hơn, vượt lên trong chiến lược phát triển bền vững toàn cầu. Đây còn là con đường sống còn, giúp doanh nghiệp logistics Việt Nam có thể nâng cao sức cạnh tranh và tạo sức bật trong sự biến động bất định của nền kinh tế toàn cầu. Tin rằng, với sự đồng hành của Nhà nước từ các chính sách, tài chính và công nghệ xanh, doanh nghiệp ngành logistics Việt Nam có thể vượt qua thách thức, biến áp lực thành cơ hội để tái định vị giá trị và nâng cao sức cạnh tranh, khẳng định vị thế trên bản đồ kinh tế thế giới.
Có thể thấy, cốt lõi của logistics xanh là xây dựng được một mô hình logistics tích hợp đa phương thức, đi đôi với hành lang chính sách và tài chính bền vững. Do đó, để thúc đẩy logistics xanh, Nhà nước cần tiếp tục đóng vai trò kiến tạo, ban hành các chính sách, định hướng hiệu quả. Khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi sang vận tải đường thủy, đường sắt để tận dụng năng lực lớn; tối ưu hóa quy trình bằng việc tăng quy mô vận tải, giảm chạy rỗng và phát triển kho, cảng thông minh. Doanh nghiệp cũng cần phối hợp cơ quan quản lý để thực hiện lộ trình giảm phát thải, đầu tư công nghệ và năng lượng sạch; tiếp tục xây dựng chiến lược phát triển bền vững, nâng cấp kho bãi, đầu tư thiết bị hiện đại và ưu tiên phương tiện vận tải thân thiện môi trường như xe sử dụng điện tái tạo, hydrogen hoặc LNG...
MINH DŨNG





