“Có lúc tôi vào quán, nhân viên người Việt chào và giới thiệu dịch vụ bằng tiếng Anh”, đại biểu Quốc hội kể lại khi thảo luận tại hội trường chiều 25.11.
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn Bình Định) kể lại chuyện mình được nhân viên quán giới thiệu dịch vụ bằng tiếng Anh để minh họa tình trạng lạm dụng tiếng nước ngoài trong quảng cáo. Ảnh: Quốc hội
Thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn Bình Định) cho biết, trong Luật Quảng cáo đã có quy định về việc sử dụng tiếng Việt: Trong trường hợp sử dụng cả tiếng Việt, tiếng nước ngoài trên cùng một sản phẩm quảng cáo thì khổ chữ nước ngoài không được quá ¾ khổ chữ tiếng Việt, và phải đặt bên dưới chữ tiếng Việt; khi phát trên đài phát thanh, truyền hình hoặc phương tiện nghe nhìn phải đọc tiếng Việt trước tiếng nước ngoài.
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh kể đã từng nhiều lần sử dụng dịch vụ ở những khu vực có nhiều người nước ngoài lưu trú, những nơi cung cấp dịch vụ có nhiều người nước ngoài lui tới. Một số nơi có thực đơn có tiếng Việt viết nhỏ hơn tiếng nước ngoài; có nơi để tiếng Việt sau tiếng nước ngoài, dưới tiếng nước ngoài; có nơi không viết tiếng Việt mà chỉ có tiếng nước ngoài.
“Có lúc tôi vào quán, nhân viên người Việt chào và giới thiệu dịch vụ bằng tiếng Anh”, đại biểu Đoàn Bình Định kể lại.
Một lần khác, đại biểu đi tới một trung tâm thương mại, giữa sảnh trung tâm thương mại có một mô hình cây thông Noel, một biển cảnh báo vấp ngã và chương trình hoạt động thì cũng ghi toàn tiếng nước ngoài. Địa điểm này thời điểm trên chỉ có một vài khách nước ngoài trong khi có hàng trăm người Việt Nam.
Theo đại biểu, tiếng Việt không chỉ giữ vai trò là công cụ giao tiếp chính mà còn là phương tiện lưu giữ, trao truyền văn hóa của bao thế hệ gắn liền với sự phát triển của xã hội Việt Nam. Vì vậy, những trường hợp không sử dụng tiếng Việt như trên, cũng như những trường hợp tương tự cần phải được điều chỉnh.
Đại biểu cho biết, trong Luật Quảng cáo, quảng cáo chỉ nhằm giới thiệu tới công chúng, không có quy định nhằm giới thiệu đến khách hàng, nên nhiều trường hợp tổ chức cá nhân cho rằng, nếu họ phục vụ cho đối tượng là khách hàng của riêng họ thì việc sử dụng như nào là tùy họ, không phạm luật. Việc ưu tiên sử dụng tiếng Việt lúc này là tùy vào ý thức quý trọng tiếng Việt của người cung cấp sản phẩm dịch vụ; trong khi nhiều nơi chủ cơ sở kinh doanh là người nước ngoài.
Vì vậy, đại biểu đề nghị bổ sung từ "khách hàng" sau từ "công chúng" trong điều khoản luật. Điều này giúp thực đơn sẽ thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Quảng cáo.
Đại biểu nói, thực đơn trước đây khá đơn giản, chỉ ghi tên vài đồ ăn, thức uống và giá sản phẩm. Hiện nay thực đơn được các cơ sở kinh doanh thiết kế công phu, bắt mắt, được sử dụng như một hình thức quảng cáo hiệu quả để thu hút sự quan tâm và kích thích nhu cầu sử dụng của khách hàng.
Với việc bổ sung từ "khách hàng" vào sau "công chúng" trong điều khoản của luật, thực đơn sẽ thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Quảng cáo.
"Vì thực đơn cũng là nhằm giới thiệu đến khách hàng sản phẩm hàng hóa dịch vụ và tiếng Việt sẽ là ngôn ngữ bắt buộc phải có trên thực đơn toàn quốc. Khi thực đơn sử dụng thêm tiếng nước ngoài thì tiếng Việt sẽ được trình bày ưu tiên theo quy định", đại biểu phân tích.
Tất Thảo
Bình luận (4)





