Hãy là người đầu tiên thích bài này
Chuyện khó giãi bày của môi giới BĐS: Lúc thị trường ảm đạm năn nỉ bên mua, thị trường tốt lên quay sang nài nỉ bên bán

Để giữ nhịp cho giao dịch bất động sản diễn ra, môi giới bất động sản phải vận dụng rất nhiều cách, bao gồm cả việc năn nỉ bên bán và bên mua.

Theo chia sẻ của một môi giới bất động sản tại Tp.HCM, mỗi giai đoạn thị trường có những tình huống khác nhau khiến người làm nghề phải vận dụng nhiều cách để xử lý.

Lúc thị trường ảm đạm, thanh khoản kém, nhiều nền đất, căn nhà bán mãi không được, môi giới ở vai trò năn nỉ bên mua. "Anh mua giúp em, giá này là đáy rồi…"; "Giá tốt lắm rồi anh chị, hỗ trợ chốt giúp em..." "Bên bán kẹt tiền lắm rồi, không có giá nào tốt hơn nữa đâu"... là những câu năn nỉ của môi giới đối với khách mua.

Đến giai đoạn thị trường sôi động, giá tăng, môi giới lại quay sang năn nỉ bên bán. Dù giao dịch sắp diễn ra, môi giới lo lắng chủ nhà/đất đổi ý không bán vì giá tăng nhanh. Những câu như: "Chị ơi, giữ đúng giá cũ giúp em, khách chốt rồi", "Khách đang đem tiền cọc qua, anh giữ giá giúp em nha" hay "Anh ơi, khách của em đã chốt lô đất rồi, chiều cọc ạ...", là cách môi giới nhẹ nhàng nài nỉ bên bán để đảm bảo giao dịch thành công.

Theo một môi giới tại khu Đông Tp.HCM, từ đầu năm 2025 đến nay, nhiều người bán thay đổi ý định vì nhận thấy thị trường đang khởi sắc. Không ít trường hợp, dù giao dịch sắp hoàn tất, bên bán đột ngột dừng lại và tăng giá. Là người trung gian, môi giới liên tục tìm cách để đảm bảo giao dịch diễn ra thuận lợi. "Cái nghề này nó vậy. Không chỉ bán đất, mà phải giữ nhịp cho cả một dòng giao dịch được trôi chảy. Đôi khi, chỉ cần các bên giữ được lời hứa đã thấy vui rồi", môi giới này cho biết.

Ghi nhận cho thấy, thị trường bất động sản phía Nam đang trên đà phục hồi, lực lượng môi giới cũng bắt đầu quay trở lại thị trường. Theo dữ liệu từ Dat Xanh Services, gần 44% lượng môi giới được hỏi kỳ vọng thị trường chung sẽ tăng trưởng khá, quan tâm nhiều tới các dự án có pháp lý hoàn chỉnh, kết nối giao thông tốt.

Theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), ước tính hiện nay, khoảng 70% doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ môi giới và người môi giới có ý định gắn bó lâu dài với nghề đã quay lại hoạt động. Tuy nhiên, ông cho biết, cả nước mới chỉ có khoảng 40.000 môi giới bất động sản được cấp chứng chỉ hành nghề. Con số này là rất ít so với số lượng môi giới đang hành nghề trên cả nước. Rất nhiều môi giới bất động sản không tham gia các khóa học đào tạo, bồi dưỡng kiến thức hành nghề và kỳ thi sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề do không sợ phạt.

Việc nguồn cung bất động sản nhà ở tăng trưởng tích cực khiến lực lượng môi giới tự tin trở lại thị trường. Theo báo cáo quý 1/2025 của VARS), nguồn cung toàn thị trường BĐS nhà ở Việt Nam đạt 27.000 sản phẩm, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, có 14.500 sản phẩm chào bán mới, chỉ bằng khoảng 1/2 quý trước nhưng tăng gấp 3 so với quý 1 của năm 2024.

Số lượng dự án nhà ở phê duyệt mới đang được cải thiện, với mức tăng đạt 18% trong năm 2024. Nhờ nỗ lực tháo gỡ vướng mắc pháp lý của Chính phủ, hàng trăm dự án BĐS đã được tái khởi động và đẩy nhanh tiến độ triển khai, ra hàng nhằm đón đầu sự phục hồi của thị trường.

Theo VARS, tỷ lệ hấp thụ chung toàn thị trường đạt 45%, tương đương với 12.273 giao dịch, bằng 50% quý trước liền kề trước đó nhưng gấp đôi cùng kỳ năm 2024. Tại các tỉnh, thành có thông tin cụ thể về quy hoạch, hạ tầng và có dự án mới như Hà Nội, Tp.HCM, Bình Dương, Hà Nam, Hải Phòng, Bắc Giang, Đà Nẵng, Thanh Hóa, Thái Nguyên... giao dịch BĐS diễn ra khá tốt.

Tiểu Bảo

Link gốc

Bình luận

Chưa có bình luận
Hãy là người đầu tiên bình luận cho bài viết này.

FIREANT MEDIA AND DIGITAL SERVICE JOINT STOCK COMPANY

Giấy phép MXH số 251/GP-BTTTT do Bộ TTTT cấp ngày 23/05/2022
Chịu trách nhiệm nội dung: Ngô Minh Long. Hotline: 1900.633.543