Warren Buffett - nhà đầu tư được cho là vĩ đại nhất mọi thời đại - mới đây đã tuyên bố nghỉ hưu, khiến cộng đồng các nhà đầu tư giá trị sửng sốt. Tuy nhiên, điều này chỉ là một phần nhỏ trong bức tranh toàn cảnh: chiến lược đầu tư giá trị mà họ trung thành suốt nhiều thập kỷ qua dường như dần bị "thất thế".
"Bình minh mới" của đầu tư giá trị trong kỷ nguyên hậu Buffett?
Lạc nhịp thời đại?
Khi thị trường chứng khoán Mỹ liên tục mang lại mức lợi suất vượt trội, các quỹ thụ động chi phí thấp mô phỏng theo chỉ số ngày càng chiếm ưu thế. Nhưng chính khi thị trường đánh mất niềm tin, cơ hội dành cho nhà đầu tư giá trị mới thực sự nở rộ.
Xét về dài hạn, chiến lược mua cổ phiếu có định giá thấp luôn chứng minh hiệu quả. Theo định nghĩa của hai nhà kinh tế học Eugene Fama và Ken French, cổ phiếu giá trị là những mã có tỷ lệ giá trên giá trị sổ sách (P/B) thấp. Dựa trên tiêu chí này, cổ phiếu giá trị tại Mỹ đã vượt trội so với cổ phiếu tăng trưởng (nhóm có P/B cao) với mức sinh lời trung bình cao hơn 2,5% mỗi năm kể từ năm 1926.
Theo Niên giám Lợi suất Đầu tư Toàn cầu của UBS do Dimson, Marsh và Staunton biên soạn, cổ phiếu giá trị cũng thể hiện tốt hơn tại phần lớn các thị trường ngoài Mỹ. Tuy nhiên, từ trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, xu thế này đã đảo chiều. Giai đoạn 2007 - 2020, cổ phiếu tăng trưởng áp đảo cổ phiếu giá trị. Dù nhóm giá trị có gượng dậy đôi chút vào năm 2020, đà hồi phục bị cắt đứt khi nhóm công nghệ lớn “Magnificent Seven” bùng nổ từ cuối năm 2022.
Cũng cần lưu ý rằng ngày nay các nhà đầu tư giá trị không còn quá phụ thuộc vào chỉ số P/B truyền thống. Charlie Munger - đối tác gắn bó lâu năm của Buffett - từng khuyên ông hãy chú trọng đến lợi thế cạnh tranh bền vững của doanh nghiệp, hay còn gọi là “hào lũy kinh tế - moat". Nếu một doanh nghiệp tạo ra tỷ suất sinh lời trên vốn cao hơn trung bình một cách ổn định, nhà đầu tư có thể chấp nhận trả giá cao hơn cho cổ phiếu đó.
Bên cạnh đó, giá trị sổ sách không phản ánh đầy đủ các tài sản vô hình như chi phí nghiên cứu và phát triển. Các thương vụ mua lại hoặc chương trình mua cổ phiếu quỹ cũng làm sai lệch giá trị sổ sách kế toán.
Những bất thường khác cũng gây khó khăn cho chiến lược giá trị. Cổ phiếu vốn hóa nhỏ, thường là lĩnh vực yêu thích của nhà đầu tư giá trị cũng ghi nhận hiệu suất đáng thất vọng. Trong khi đó, thị trường chứng khoán toàn cầu, cả tại các nền kinh tế phát triển lẫn mới nổi, đều bị lu mờ bởi đà tăng ngoạn mục của cổ phiếu Mỹ. Theo UBS, từ năm 2010 đến đầu năm nay, cổ phiếu Mỹ mang lại lợi suất thực trung bình 10% mỗi năm, trong khi phần còn lại của thế giới chỉ đạt 2,6%. Các thị trường mới nổi chỉ đạt phân nửa con số này.
"Mọi quy chuẩn xưa cũ đều đã bị lật đổ”, Howard Marks, nhà đầu tư kỳ cựu và đồng Chủ tịch Oaktree Capital Management nhận định.
Sự sa sút của chiến lược giá trị xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trước hết, mức lãi suất cực thấp sau khủng hoảng tài chính toàn cầu đã khiến cổ phiếu tăng trưởng, với dòng tiền nằm trong tương lai xa trở nên hấp dẫn hơn. Trong khi đó, cổ phiếu giá trị với tỷ suất cổ tức cao lại trở nên kém hấp dẫn hơn.
Thứ hai, làn sóng đầu tư thụ động phát triển mạnh mẽ cũng làm giảm nhu cầu đối với chiến lược đầu tư chủ động, trong đó có đầu tư giá trị. Hiện nay, gần 60% thị trường cổ phiếu Mỹ nằm trong tay các quỹ chỉ số. Goldman Sachs dự báo từ năm 2014 đến 2026, dòng vốn rút khỏi các quỹ chủ động tại Mỹ để chuyển sang đầu tư thụ động có thể lên tới 3.000 tỷ USD. Khi các quỹ chỉ số lên ngôi, nhà đầu tư ngày càng rút khỏi những cổ phiếu giá trị và cổ phiếu vốn hóa nhỏ, vốn thường được các quỹ chủ động nắm giữ để đổ tiền vào các cổ phiếu lớn có tỷ trọng cao trong chỉ số S&P 500.
Mỹ hiện đang là nơi hội tụ những tập đoàn lớn nhất và sinh lời cao nhất trong lịch sử. Chính sự vượt trội của nhóm “Magnificent Seven” trong thập kỷ qua đã khiến hiệu suất tương đối của cổ phiếu giá trị và vốn hóa nhỏ sụt giảm. Cuối năm ngoái, mức độ tập trung của thị trường chứng khoán Mỹ đã đạt mức cao nhất kể từ thập niên 1930.
Georg von Wyss, giám đốc danh mục tại BWM (Zurich) nhận xét: "Các giai đoạn thị trường tập trung cao độ trong lịch sử luôn đi kèm với hiệu suất yếu kém của cổ phiếu giá trị. Điều này từng xảy ra vào thời kỳ “Nifty Fifty” đầu những năm 1970 và bong bóng công nghệ cuối thập niên 1990".
Vào cuối các thời kỳ đó, cổ phiếu giá trị thường được định giá rất thấp so với mặt bằng chung. Nhiều khách hàng rút vốn khỏi các công ty đầu tư hoạt động kém. Một số nhà đầu tư giá trị nổi tiếng bị sa thải hoặc nghỉ hưu sớm. Warren Buffett - người đã đứng ngoài các cuộc chạy đua đầu cơ từng bị đánh giá là đã lạc nhịp thời đại. Nhưng khi thị trường đảo chiều như vào các năm 1975 và 2000, cổ phiếu giá trị đã phục hồi và duy trì hiệu suất vượt trội trong nhiều năm. Liệu lần này có là một chu kỳ như vậy?
Một số tín hiệu đang hé mở
Những xáo trộn trong những tháng đầu nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Donald Trump có thể là bước ngoặt. Phát biểu tại Hội nghị Nhà đầu tư Giá trị ở London, nhà sáng lập Oldfield Partners, Richard Oldfield cho rằng chính quyền Mỹ mới với những đe dọa áp thuế thiếu nhất quán đang làm lung lay vị thế “chủ nghĩa ngoại lệ Mỹ”. Cảm nhận được điều đó, Đức đã quyết định tăng vay để đầu tư cho quốc phòng và hạ tầng. Nếu dòng vốn toàn cầu đảo chiều khỏi Mỹ, các thị trường phát triển và mới nổi có thể được hưởng lợi. Các đợt hồi phục của cổ phiếu giá trị trong những năm gần đây thường sớm kết thúc, nhưng ông Oldfield tin rằng “lần này là khác”.
Những lực cản khác vốn đè nặng lên nhà đầu tư giá trị trong một thập kỷ qua cũng đang mờ dần. Trong ba năm gần đây, lãi suất đã trở lại mức gần với trung bình lịch sử. Nhóm “Magnificent Seven” đang bước vào cuộc chạy đua đầu tư vào trí tuệ nhân tạo. Câu hỏi đặt ra là liệu mức chi tiêu vốn khổng lồ đó có đem lại tỷ suất sinh lời hợp lý hay không. Đáng chú ý, nhóm cổ phiếu tăng trưởng vốn hóa lớn đã thể hiện kém trong năm nay, trong khi cổ phiếu giá trị và cổ phiếu vốn hóa nhỏ tại Mỹ và các thị trường khác đang mở ra cơ hội hấp dẫn hiếm có.
Năm ngoái, David Einhorn của Greenlight Capital từng tuyên bố rằng đầu tư giá trị đã “chết”. Tuy nhiên, Alissa Corcoran, Giám đốc đầu tư tại Kopernik Global Investors và cũng là diễn giả tại hội nghị London bác bỏ quan điểm đó. Theo bà, đầu tư giá trị là bất tử. Khi các quỹ chỉ số tiếp tục chiếm lĩnh thị trường toàn cầu, vai trò của các nhà đầu tư theo phân tích cơ bản trong việc phát hiện giá cả hợp lý vẫn là thiết yếu. Lý tưởng nhất, họ cần kiên định với tầm nhìn dài hạn, không chạy theo đám đông, biết quản lý vốn một cách thận trọng và trên hết, sở hữu tư duy thực tế.
Warren Buffett là hình mẫu hiếm hoi hội tụ đầy đủ những phẩm chất ấy. Sự rút lui của ông để lại một khoảng trống lớn, nhưng cũng mở ra thời kỳ mới cho lớp nhà đầu tư giá trị kế cận tiếp bước.





