Cả vốn FDI đăng ký và thực hiện đều tăng cho thấy niềm tin ngày càng gia tăng của cộng đồng doanh nghiệp quốc tế với Việt Nam.
Theo số liệu vừa được Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Tài chính) công bố, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký trong 6 tháng đầu năm 2025 đạt hơn 21,51 tỷ USD, tăng 32,6% so với cùng kỳ. Đây cũng là số vốn đăng ký cao nhất so với cùng kỳ kể từ năm 2009.
Trong tổng số hơn 21,51 tỷ USD vốn FDI đăng ký nói trên, có gần 9,3 tỷ USD vốn đăng ký đến từ 1.988 dự án mới; 8,95 tỷ USD vốn của 826 lượt dự án điều chỉnh; và 3,28 tỷ USD vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần.
Vốn FDI 6 tháng đầu năm gia tăng nhờ sự gia tăng mạnh của cả vốn điều chỉnh và vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần.
Lý giải cụ thể hơn, Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, với các dự án đăng ký mới từ đầu năm, chỉ có 15 dự án có vốn trên 100 triệu, với tổng vốn đăng ký là 3,2 tỷ USD, chiếm 15,1% tổng vốn đầu tư. Trong khi đó, trong cùng kỳ năm 2024, có 18 dự án trên 100 triệu USD được cấp mới, với tổng số vốn là 5,12 tỷ USD, chiếm 32% tổng vốn đầu tư. Đây là nguyên nhân chính khiến vốn đăng ký mới trong nửa đầu năm nay giảm so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, vốn điều chỉnh và vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần, tương ứng tăng gấp 2,2 lần và tăng 73,6%, làm "bệ đỡ" cho sự gia tăng vốn FDI 6 tháng đầu năm.
Cũng theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 11,72 tỷ USD, tăng 8,1% so với cùng kỳ.
Điều này cho thấy niềm tin ngày càng gia tăng của cộng đồng doanh nghiệp quốc tế với Việt Nam. Nhà đầu tư không chỉ tiếp tục lựa chọn Việt Nam là điểm đến mới mà còn sẵn sàng mở rộng quy mô các dự án hiện hữu, báo cáo nhấn mạnh.
Tuy vậy, Bộ Tài chính nhận định, dù dòng vốn FDI rất tích cực, nhưng chậm thu hút những nhà đầu tư chiến lược với dự án lớn, công nghệ cao, có khả năng dẫn dắt chuỗi giá trị, tạo dựng hệ sinh thái.
Dự án tỷ USD đưa xếp hạng Malaysia, Thụy Điển tăng đột biến
Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài cho thấy, trong 6 tháng qua, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân.
Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt gần 12 tỷ USD, chiếm 55,6% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 3,9% so với cùng kỳ. Trong số này, Công ty Syre (Thụy Điển) được cấp chứng nhận đầu tư cho dự án Nhà máy tái chế vải Polyester công nghệ cao tại Khu kinh tế Nhơn Hội (tỉnh Bình Định cũ) với số vốn gần 1 tỷ USD.
Ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định, tặng quà lưu niệm cho bà Susanna Campbell, Chủ tịch Tập đoàn Syre ngày 12/6/2025 tại Thụy Điển. Ảnh: V.N
Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư gần 5,17 tỷ USD, chiếm 24% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ. Nổi bật là dự án xây dựng Công viên Yên Sở tại Hà Nội của Công ty TNHH Gamuda Land Việt Nam với tổng vốn đầu tư điều chỉnh tăng 1,12 tỷ USD trong tháng 5.
Các ngành thu hút FDI tiếp theo là các ngành hoạt động chuyên môn, khoa học - công nghệ và cấp nước và xử lý chất thải với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt gần 1,18 tỷ USD và 902,9 triệu USD.
Về đối tác đầu tư, đã có 92 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, Singapore tiếp tục dẫn đầu với tổng vốn đầu tư hơn 4,6 tỷ USD, chiếm hơn 21,4% tổng vốn đầu tư, giảm 24,8% so với cùng kỳ. Hàn Quốc đứng thứ hai với trên 3 tỷ USD, chiếm gần 14,3% tổng vốn đầu tư, gấp hơn 2 lần cùng kỳ.
Các đối tác lớn tiếp theo là Trung Quốc, Nhật Bản, Malaysia với số vốn lần lượt là 2,55 tỷ USD, 2,15 tỷ USD và 1,59 tỷ USD.
Với 2 dự án lớn nêu trên, Malaysia và Thụy Điển tăng đột biến trong số các đối tác đầu tư vào nước ta. Malaysia tăng 20 bậc còn Thụy Điển tăng 59 bậc so với cùng kỳ.
Về địa phương tiếp nhận đầu tư trong 6 tháng đầu năm, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 54 tỉnh, thành phố trên cả nước. Trong đó, Hà Nội dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 3,66 tỷ USD, chiếm 17% tổng vốn đầu tư cả nước, gấp hơn 2,8 lần cùng kỳ.
Bắc Ninh đứng thứ hai với gần 3,15 tỷ USD, chiếm 14,6% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 7,1% so với cùng kỳ. Thành phố Hồ Chí Minh đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 2,7 tỷ USD, chiếm 12,6% tổng vốn đầu tư cả nước, tăng 2,2 lần so với cùng kỳ. Tiếp theo lần lượt là Đồng Nai, Hà Nam, Bà Rịa - Vũng Tàu…





