VN-Index có sự phục hồi mạnh song sự lựa chọn cổ phiếu ngày càng trở nên khó hơn, các chuyên gia khuyến nghị nhà đầu tư nên ưu tiên quản trị rủi ro và cần có sự chọn lọc để lựa chọn doanh nghiệp triển vọng.
Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua một phiên giao dịch tích cực. Chốt phiên 20/5, VN-Index đạt 1.315,15 điểm, tăng 18,86 điểm (tương đương 1,45%) so với tham chiếu. Đây là mức tăng điểm tốt thứ năm của VN-Index xét riêng năm 2025.
Thanh khoản HoSE cũng là điểm nhấn với khối lượng giao dịch đạt 946 triệu đơn vị, giá trị giao dịch hơn 22.600 tỷ đồng; tương đương tăng lần lượt 4,14% và 1,13% so với phiên 19/5.
Các cổ phiếu vốn hóa lớn VN30 (tăng 27,77 điểm, tương đương 2,01%) tiếp tục là tâm điểm “kéo” thị trường. Trong đó, bộ đôi VIC và VHM gây chú ý khi tăng hết biên độ trong tình trạng “trắng bên bán”, VRE cũng giao dịch sôi động khi đạt mức tăng 4,2%. Thị trường còn nhận được sự đóng góp của TCB khi mã này tăng mạnh 4,9% lên 30.950 đồng.
Không chỉ VN30, dòng tiền trên thị trường chứng khoán có sự lan tỏa. Có thể thấy lực mua áp đảo HoSE với 193 mã tăng và 133 cổ phiếu giảm.
Nhiều nhóm ngành nhạy cảm với thông tin thuế quan đã bật tăng tốt như cảng biển với bộ đôi MVN (+2,5%), PHP (+2,5%); bất động sản khu công nghiệp với GVR (+1,8%), SZC (+1,4%), KBC (+0,6%)…; dệt may cũng diễn biến tích cực khi VGT (+2%), TCM (+1,7%), MSH (+1,2%)… cũng tăng tốt.
Sau chuỗi gom hàng quyết liệt vào đầu tháng, nhà đầu tư nước ngoài trong phiên hôm nay đã bán ròng 6,18 triệu đơn vị, tổng giá trị bán ròng tương ứng đạt 506 tỷ đồng, tăng 1,3% về giá trị so với phiên trước.
Ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Phân tích PSI (trái) và ông Trần Quốc Toàn, Giám đốc Chi nhánh 2 Hội sở Chứng khoán Mirae Asset . Ảnh Talk show Phố Tài chính.
Cần chọn lọc những doanh nghiệp triển vọng
Tính từ phiên “đáy” 9/4, VN-Index đã tăng gần 20,2%, song sự phục hồi của chỉ số chính có sự phân hóa mạnh ở các nhóm ngành và thậm chí là phân hóa giữa các cổ phiếu trong một nhóm ngành. VN-Index tăng điểm song việc lựa chọn cổ phiếu trong ngắn hạn ngày càng trở nên khó khăn, danh mục nhiều nhà đầu tư vẫn lỗ nặng.
Lý giải về điều này, trao đổi trong Talk show Phố Tài chính, ông Trần Anh Tuấn, CFA, Giám đốc Trung tâm Phân tích, CTCP Chứng khoán Dầu khí (PSI) phân tích phần lớn sự hồi phục của VN-Index nhờ vào VN30, đặc biệt là nhóm cổ phiếu bất động sản và ngân hàng. Dù phản ứng tích cực trước mắt, song vẫn cần quản trị danh mục thận trọng trong bối cảnh dòng vốn ngoại chưa rõ xu hướng.
Theo ông Trần Anh Tuấn, trong ngắn hạn thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ khó có những biến động mạnh khi rủi ro tác động từ các chính sách thuế quan vẫn còn rất khó đoán định cả về quy mô, thời gian và mức độ lan tỏa. Tuy dòng tiền có xu hướng quay lại thị trường chứng khoán trong những tuần gần đây, song mức độ phân hóa ngày càng gia tăng, tâm lý thận trọng của các nhà đầu tư vẫn đang được duy trì mạnh mẽ khiến cho chỉ số thị trường khó có thể duy trì đà tăng mạnh trong giai đoạn hiện tại.
“Tôi cũng kỳ vọng các yếu tố tích cực đến từ vĩ mô cùng các chính sách cải cách hạ tầng, cơ hội nâng hạng, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ có cơ sở vững chắc hơn để kỳ vọng bước vào một “kỷ nguyên vươn mình”. Khi đó dòng tiền trong thị trường sẽ là dòng vốn có tính chiến lược và bền vững hơn”, ông Trần Anh Tuấn nói.
Trong khi đó, ông Trần Quốc Toàn, Giám đốc Chi nhánh 2 Hội sở, CTCP Chứng khoán Mirae Asset (MAS) dự báo tăng trưởng lợi nhuận năm nay của các doanh nghiệp niêm yết năm nay đạt từ 12-15% so với cùng kỳ, nhờ đóng góp của nhóm ngành ngân hàng (tăng trưởng tín dụng cao) và bất động sản khi các chủ đầu tư lớn đẩy nhanh quá trình mở bán.
Một số nhóm ngành tiềm năng như nhóm ngân hàng với tăng trưởng tín dụng cao, chất lượng tài sản cho vay trong tầm kiểm soát, vùng định giá thấp hơn trung bình lịch sử. Nhóm thứ hai là nhóm tiêu dùng, bán lẻ được dự báo sẽ tiếp tục phục hồi nhờ thị trường tiêu dùng nội địa, đặc biệt các công ty có chuỗi hệ thống bán lẻ hiện đại đã chứng minh được hiệu quả tài chính các quý gần đây. Nhóm tiếp theo là tài nguyên cơ bản, mà cụ thể là ngành thép, nhờ quá sự phục hồi của thị trường xây dựng dân dụng cũng như đầu tư hạ tầng, sự cải thiện biên lợi nhuận nhờ chi phí nguyên liệu giảm.
Ngoài sự phân hóa giữa các ngành, vị chuyên gia này còn cho rằng trong từng các công ty trong ngành cũng có sự phân hóa rõ nét. Những công ty lớn, có lợi thế cạnh tranh, vị thế tài chính mạnh mẽ và có chiến lược đúng đắn sẽ biến thách thức thành cơ hội để đạt được kết quả kinh doanh trội so với phần còn lại. Nhà đầu tư cần có sự chọn lọc để lựa chọn doanh nghiệp triển vọng.
Bình luận (18)





