"Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam bao gồm đồ may mặc, đồ điện tử, sản phẩm cứng... Đồng thời, chúng tôi cũng tìm kiếm sản phẩm thuộc các danh mục khác như đồ chơi, thực phẩm từ Việt Nam", ông Aly Ansari, Tổng giám đốc Walmart Việt Nam cho biết.
Đông đảo đại diện các doanh nghiệp, thương hiệu trong và ngoài nước tham gia sự kiện. Ảnh: ĐK
Phát biểu tại sự kiện "Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế 2024 - Viet Nam International Sourcing Expo 2024" do Bộ Công thương kết hợp UBND TP.HCM chủ trì, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cho biết, các Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương mà Việt Nam đã ký kết, thực thi sẽ hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp Việt trong nỗ lực tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, mạnh dạn bước ra thế giới, thích ứng với xu thế hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, cũng như thúc đẩy kết nối giữa các kênh phân phối, nhà nhập khẩu nước ngoài với các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu trong nước.
"Trong năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường ký FTA đạt 230,5 tỉ USD, chiếm gần 65% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Sau đại dịch và những bất ổn địa chính trị - kinh tế gần đây, nhiều tập đoàn, nhiều kênh phân phối bán lẻ đang đẩy mạnh chiến lược đa dạng hóa, đảm bảo nguồn cung bền vững và đã lựa chọn Việt Nam là địa điểm chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu của họ", Thứ trưởng Phan Thị Thắng nhận định.
Diễn đàn quy tụ khoảng 300 thương hiệu quốc tế cùng rất nhiều doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam. Ảnh: ĐK
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Dũng cho biết TP.HCM sẽ tập trung tổ chức, thực hiện nhiều hoạt động xúc tiến xuất khẩu hướng tới các thị trường trọng điểm và các thị trường mới, tiềm năng, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tận dụng hiệu quả chính sách thuế nhập khẩu từ các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là các hiệp định tự do thương mại thế hệ mới CPTPP, EVFTA… để mở rộng thị trường xuất khẩu.
"Đề nghị các doanh nghiệp quốc tế có những đánh giá thẳng thắn về thực trạng xuất khẩu tại các thị trường trọng điểm của từng ngành hàng chủ lực của Việt Nam để từ đó, đưa ra những khuyến nghị thiết thực, giúp doanh nghiệp Việt nâng cao năng lực sản xuất, năng lực cạnh tranh của sản phẩm đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn chất lượng, tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội, môi trường…", ông Dũng đề nghị.
Đại diện nhà mua hàng quốc tế, Tổng giám đốc Walmart Việt Nam Aly Ansari cho biết, Việt Nam hiện đang là thị trường cung ứng quan trọng của Walmart và vai trò này sẽ tiếp tục được nâng cao trong tương lai
"Walmart ưu tiên tìm kiếm nhà cung cấp tốt nhất tại các thị trường trọng điểm. Chúng tôi đánh giá cao những hỗ trợ của người dân, người lao động, doanh nghiệp cũng như nguồn lực của Việt Nam đã giúp hoạt động xuất khẩu đối với các sản phẩm được sản xuất có trách nhiệm và liên tục trên toàn cầu. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam bao gồm đồ may mặc, đồ điện tử, sản phẩm cứng... Đồng thời, chúng tôi cũng tìm kiếm sản phẩm thuộc các danh mục khác như đồ chơi, thực phẩm từ Việt Nam", ông Aly Ansari nhấn mạnh.
Sự kiện Vietnam International Sourcing 2024 ghi nhận sự quan tâm tham dự của gần 300 kênh phân phối và nhà nhập khẩu uy tín từ các nước trên thế giới. Trong số đó, có thể kể đến các tập đoàn phân phối quốc tế lớn như Aeon, Uniqlo (Nhật Bản), Walmart, Amazon, Safeway (Mỹ), Carrefour, Decathlon (Pháp), Falabella (Chile), Coppel (Mexico), Central Group (Thái Lan), Lotte (Hàn Quốc), Miniso (Trung Quốc), IKEA (Thụy điển), LuLu (UAE)...





