Hãy là người đầu tiên thích bài này
Sẽ có hướng dẫn quản lý mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói

Cục trưởng Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) Huỳnh Tấn Đạt cho biết, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư hướng dẫn quản lý mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói.

Tính đến hiện tại, Việt Nam đã có 1.396 mã vùng trồng và 188 cơ sở đóng gói được Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt. Ảnh minh họa: N.H

Dự thảo và ban hành Thông tư hướng dẫn quản lý mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói là bước đi cần thiết trong bối cảnh nhiều thị trường ngày càng siết chặt tiêu chuẩn nhập khẩu, buộc nông sản Việt phải nâng chuẩn nếu muốn duy trì tăng trưởng xuất khẩu bền vững.

Nâng chuẩn nếu muốn duy trì tăng trưởng xuất khẩu bền vững

Theo đó, Dự thảo đặt ra yêu cầu kỹ thuật nghiêm ngặt đối với cả vùng trồng và cơ sở đóng gói, từ điều kiện canh tác, ghi chép truy xuất đến kiểm soát an toàn thực phẩm và sinh vật gây hại. Cụ thể, vùng trồng muốn được cấp mã phải sản xuất tập trung một loại cây trồng, áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt (GAP hoặc tương đương), sử dụng bảo vệ thực vật đúng quy định và duy trì vệ sinh đồng ruộng. Cơ sở đóng gói cần đảm bảo sơ chế theo quy trình một chiều, có biện pháp phòng chống tái nhiễm, đầy đủ hồ sơ về nguồn gốc sản phẩm và hóa chất sử dụng.

Dự thảo đưa ra 3 phương án phân cấp cơ quan có thẩm quyền cấp mã số: Cấp tỉnh, cấp xã hoặc linh hoạt theo điều kiện địa phương. Với sản phẩm xuất khẩu, dữ liệu mã số sẽ được tổng hợp để phục vụ đàm phán và kiểm tra theo yêu cầu từ nước nhập khẩu.

Việc giám sát mã số sẽ được thực hiện định kỳ hàng năm, cập nhật kết quả lên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia. Cơ quan địa phương có quyền tạm dừng hoặc thu hồi mã số nếu phát hiện vi phạm trong quá trình giám sát hoặc có thông báo từ đối tác nhập khẩu.

Thông tư cũng đề xuất áp dụng mã số cho thị trường nội địa nhằm từng bước đồng bộ hệ thống, đảm bảo chất lượng và truy xuất nguồn gốc toàn diện. Các địa phương sẽ được yêu cầu xây dựng kế hoạch triển khai, bố trí nguồn lực và tập huấn cho các tổ chức, cá nhân liên quan.

Phát biểu tại Hội nghị Phát triển ngành hàng sầu riêng bền vững, đứng ở góc độ doanh nghiệp, ông Vũ Phi Hổ, đại diện Công ty Cổ phần Sầu riêng Tây Nguyên (Sarita) cho biết, với thương hiệu Sarita, công ty định vị là sầu riêng 100% Việt Nam, cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm từ Thái Lan tại các thị trường trọng điểm như Trung Quốc (quả tươi, quả cấp đông), Úc (sầu riêng nguyên trái cấp đông và múi cấp đông). Mới đây, Sarita đã hoàn tất công hàm với đối tác Đức và đang trong quá trình phát triển thị trường châu Âu. Trong năm đầu tiên xuất khẩu, Sarita đạt sản lượng 6.000 tấn, bao gồm cả quả tươi và đông lạnh, với nguồn nguyên liệu được thu mua từ 1.600 hộ dân trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

Tuy nhiên, hành trình xuất khẩu không hề dễ dàng. Nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc kiểm nghiệm lô hàng xuất khẩu. Năm 2024, chi phí kiểm nghiệm là 400.000 đồng/mẫu, nhưng khi mở rộng xuất khẩu với sản lượng lên tới container thì chi phí kiểm nghiệm cộng dồn lên tới 40 triệu đồng/container. Với kế hoạch xuất khẩu khoảng 200 container/năm, chi phí kiểm nghiệm có thể lên tới hàng chục tỷ đồng - gánh nặng lớn với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Bên cạnh đó, tình trạng nhiều cơ sở đóng gói không được Bộ Nông nghiệp và Môi trường cấp phép vẫn ngang nhiên hoạt động tại Đắk Lắk, trong khi phía Trung Quốc chỉ công nhận đơn vị được Tổng cục Hải quan nước này phê duyệt. Điều này dẫn tới sự nhập nhằng thật - giả, ảnh hưởng tới tính minh bạch và công bằng trong hoạt động xuất khẩu.

Tạo điều kiện thuận lợi cho dòng chảy xuất khẩu sầu riêng

Cũng theo đại diện Công ty Cổ phần Sầu riêng Tây Nguyên (Sarita), nhiều vùng trồng mở mới đang gặp khó khăn trong quản lý kỹ thuật, đặc biệt là kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Tình trạng canh tác manh mún, thiếu bài bản - người dân tự học hỏi, “cóp nhặt mỗi chỗ một ít” để áp dụng vào vườn mình - khiến việc kiểm soát chất lượng trở nên phức tạp khi mở rộng quy mô.

Việc mở rộng vùng trồng nhưng thiếu năng lực sản xuất là rủi ro lớn đối với thương hiệu sầu riêng quốc gia. Ngoài ra, hệ thống dữ liệu vùng trồng còn thiếu, quy chuẩn sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật chưa đồng nhất.

Từ thực tế đó, ông Vũ Phi Hổ kiến nghị các cơ quan quản lý cần cập nhật thông tin, hướng dẫn đầy đủ, đặc biệt tại tỉnh Đắk Lắk, địa phương có diện tích sầu riêng lớn, để đảm bảo vùng nguyên liệu đáp ứng yêu cầu xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc. Đồng thời, cần có biện pháp kiểm soát các cơ sở đóng gói, tránh để xảy ra tình trạng hàng không đủ điều kiện vẫn được xuất khẩu, làm ảnh hưởng đến uy tín của cả ngành.

“Nếu hàng bị trả từ biên giới rồi lại bán cho dân mình thì không thể gọi là tôn trọng người tiêu dùng. Chỉ khi đảm bảo chất lượng đồng đều, minh bạch và có đạo đức kinh doanh, trái sầu riêng Việt Nam mới có thể giữ vững vị thế trên thị trường trong và ngoài nước”, ông Vũ Phi Hổ nhấn mạnh.

Đáng chú ý, mới đây trong đợt xét duyệt ngày 21/5, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã phê duyệt thêm 829 mã số vùng trồng và 131 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng Việt Nam. Như vậy, tính đến hiện tại, Việt Nam đã có 1.396 mã vùng trồng và 188 cơ sở đóng gói được Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt.

Đứng ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy nhấn mạnh, việc Tổng cục Hải quan Trung Quốc chính thức công nhận thêm 829 mã số vùng trồng và 131 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam là kết quả của cả một quá trình nỗ lực chủ động từ phía Việt Nam, chứ không phải điều xảy ra một cách ngẫu nhiên.

Trong suốt giai đoạn khó khăn vừa qua, Bộ và các cơ quan chuyên ngành đã tích cực hành động, xây dựng quy trình, hoàn thiện hồ sơ kỹ thuật, nhằm đáp ứng đầy đủ các yêu cầu nghiêm ngặt từ phía bạn hàng Trung Quốc. Đây là minh chứng cho thấy Việt Nam không ngồi yên chờ đợi, mà luôn chủ động và cầu thị trong hợp tác quốc tế.

“Trong tuần tới, một đoàn công tác của Bộ sẽ sang làm việc trực tiếp với Tổng cục Hải quan Trung Quốc nhằm giải quyết các vấn đề còn tồn đọng như quy trình kiểm tra, thông quan, kiểm soát mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho dòng chảy xuất khẩu sầu riêng Việt Nam”, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho biết thêm.

Xuân Thảo

Link gốc

Bình luận

Chưa có bình luận
Hãy là người đầu tiên bình luận cho bài viết này.

FIREANT MEDIA AND DIGITAL SERVICE JOINT STOCK COMPANY

Giấy phép MXH số 251/GP-BTTTT do Bộ TTTT cấp ngày 23/05/2022
Chịu trách nhiệm nội dung: Ngô Minh Long. Hotline: 1900.633.543