Đại diện Tập đoàn Sơn Hải cho biết, họ "rất ngạc nhiên" với quyết định của chủ đầu tư, nhất là khi các nhà thầu tên tuổi khác như Cienco4, Vinaconex, Đèo Cả hay chính Sơn Hải đều bị loại với lý do "không đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật".
Ngày 26/5, Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải vừa gửi công văn tới Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng tỉnh Bình Phước, phản đối kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu xây dựng tuyến cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành, đoạn qua tỉnh Bình Phước.
Theo phản ánh từ phía Sơn Hải, trong thông báo mở thầu ngày 17/3/2025, giá gói thầu được công bố là hơn 880 tỷ đồng. Trong số các nhà thầu tham gia, Sơn Hải là đơn vị đưa ra mức giá thấp nhất - hơn 732 tỷ đồng, giúp tiết kiệm cho ngân sách nhà nước hơn 148 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ giảm giá gần 17%.
Các đơn vị khác lần lượt có mức giảm thấp hơn như Cienco4 (giảm hơn 9%), liên danh IB2500057961 (8,7%), liên danh cao tốc Bình Phước (5%) và liên danh cao tốc HCM–TDM–CT (1,62%).
Khi kết quả được công bố ngày 22/5/2025 cho thấy đơn vị trúng thầu là liên danh HCM–TDM–CT, nhà thầu có giá dự thầu cao nhất - hơn 866 tỷ đồng.
Đại diện Tập đoàn Sơn Hải cho biết, họ "rất ngạc nhiên" với quyết định của chủ đầu tư, nhất là khi các nhà thầu tên tuổi khác như Cienco4, Vinaconex, Đèo Cả hay chính Sơn Hải đều bị loại với lý do "không đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật".
"Chúng tôi đã cam kết ở E-HSDT về chất lượng bảo hành dài nhất là 10 năm, có giá dự thầu thấp nhất, tiết kiệm cho ngân sách nhiều nhất nhưng vẫn không được chọn", văn bản của Sơn Hải nêu.
Tập đoàn này cũng khẳng định đã từng thực hiện nhiều dự án quy mô lớn, trong đó có nhiều công trình giao thông quan trọng, để lại sản phẩm có chất lượng cao, được người dân ghi nhận.
Hiện Sơn Hải đề nghị UBND tỉnh Bình Phước và các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ để đảm bảo tuân thủ quy định của Luật đấu thầu.
Công văn của Tập đoàn Sơn Hải
Trước đây, tại gói thầu số 4.7 “Thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình sân đỗ tàu bay nhà ga hành khách và các công trình khác” thuộc dự án thành phần 3, dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành (giai đoạn 1). Liên danh Đèo Cả bao gồm 8 công ty đã nhiều lần có văn bản kiến nghị về việc Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (mã cổ phiếu ACV) loại liên danh này khỏi gói thầu.
Được biết, gói thầu có giá hơn 6.300 tỷ đồng, có 2 liên danh nhà thầu tham gia.
Liên danh 1 (liên danh Đèo Cả) gồm 8 nhà thầu, đứng đầu là Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả. Các thành viên còn lại trong liên danh 1 gồm: Công ty Cổ phần Xây dựng Đèo Cả, Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả, Công ty Cổ phần Lizen, Tổng công ty Thăng Long-CTCP, Tổng công ty Đầu tư xây dựng Hoàng Long-CTCP, Công ty TNHH Hòa Hiệp và Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải.
Liên danh 2 gồm 6 nhà thầu: Tổng công ty Xây dựng công trình hàng không ACC, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam, Công ty CP Phát triển Đầu tư xây dựng Việt Nam, Công ty CP Tập đoàn Cienco4; và Công ty CP Xây dựng công trình hàng không Sáu Bốn Bảy.
Liên danh do Tập đoàn Đèo Cả đứng đầu bị loại vì "không đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật".
Cụ thể, ACV cho biết thành viên liên danh là Tổng công ty Đầu tư xây dựng Hoàng Long (số hiệu trên mạng đầu thầu quốc gia là vn2800177056), đã bị tạm ngưng trên hệ thống từ 30/6/2024 (do chưa đóng phí đúng hạn) đến thời điểm phê duyệt danh sách nhà thầu. Được biết, các nhà thầu phải đóng phí mỗi năm là 330.000 đồng. Số tiền này nhằm duy trì tên và hồ sơ năng lực khi tham gia đấu thầu.
ACV cho rằng nhà thầu không đáp ứng điều kiện tại khoản f mục CDNT 5. Tư cách hợp lệ của nhà thầu là không trong trạng thái bị tạm ngừng, chấm dứt tham gia hệ thống.
Tập đoàn Đèo Cả đại diện cho Liên danh 2 đã liên tục có đơn khiếu nại và kiến nghị gửi tới ACV, khẳng định công ty Hoàng Long đảm bảo tư cách hợp lệ theo quy định Luật đấu thầu, và yêu cầu ACV đánh giá Liên danh 2 đạt yêu cầu bước đánh giá kỹ thuật.
Đèo Cả cho rằng công ty Hoàng Long đã tuân thủ quy định tại khoản d, điểm 1, Điều 5 của Luật Đấu thầu: "Có tên trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia trước khi phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư".
Tập đoàn Đèo Cả cũng đã có văn bản gửi Cục Quản lý Đấu Thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để xin ý kiến, làm rõ tư cách hợp lệ của nhà thầu.
Phúc đáp văn bản của Tập đoàn Đèo Cả, ngày 15/8, Cục Quản lý Đấu Thầu cho biết: "Nhà thầu (là tổ chức) đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 5 của Luật Đấu thầu thì được coi là đáp ứng yêu cầu về tư cách hợp lệ khi tham gia dự thầu các gói thầu không áp dụng đấu thầu qua mạng thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này. Việc hồ sơ mời thầu quy định nhà thầu 'không trong trạng thái bị tạm ngừng, chấm dứt tham gia hệ thống' để bảo đảm tư cách hợp lệ như đối với đấu thầu qua mạng là không phù hợp".
Trong khi đó, trả lời phía Đèo Cả, ACV khẳng định đã thực hiện đúng quy định pháp luật.
ACV sau đó đã chính thức công bố kết quả lựa chọn nhà thầu tại gói thầu số 4.7 là Liên danh Tổng công ty Xây dựng công trình hàng không ACC – Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn – Tổng công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam – Công ty Cổ phần phát triển Đầu tư xây dựng Việt Nam – Công ty Cổ phần Tập đoàn Cienco4 – Công ty Cổ phần Xây dựng công trình hàng không Sáu Bốn Bảy.
Bình luận (21)





