Theo ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc Chứng khoán Yuanta Việt Nam, VN-Index hội tụ nhiều yếu tố để vượt xa mốc 1.300 điểm.
Nhiều yếu tố hỗ trợ để VN-Index vững mốc 1.300. Ảnh: T.H.
Chốt phiên 24/2, sàn HOSE có 260 mã tăng và 194 mã giảm, VN-Index tăng 7,81 điểm (+0,6%), lên 1.304,56 điểm; tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 892 triệu đơn vị, giá trị 21.086 tỷ đồng. Đà tăng của chỉ số chính được hỗ trợ chính nhờ nhóm VN30, trong đó nổi bật nhất là cổ phiếu HPG khi có thời điểm tăng hết biên độ và kết phiên tăng 4,73%, lên mức 27.700 đồng/CP, thanh khoản lên tới gần 74 triệu đơn vị.
Nhóm cổ phiếu thép cũng là tâm điểm trong phiên 24/2 sau thông tin áp thuế chống bán phá giá tạm thời với một số sản phẩm thép cán nóng có xuất xứ Ấn Độ và Trung Quốc. Bên cạnh HPG của Tập đoàn Hòa Phát, loạt mã khác cũng ghi nhận đà tăng mạnh như cặp đôi HSG và NKG đều tăng hơn 2% với thanh khoản cũng thuộc top sôi động của thị trường.
Trao đổi với Nhadautu.vn, ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc Phân tích CTCP Chứng khoán Yuanta Việt Nam đánh giá phiên 24/2 là lần vượt mốc 1.300 thuyết phục nhất của VN-Index. “Từ năm 2024 đến phiên 24/2/2025, chúng ta chứng kiến VN-Index 7 lần chạm 1.300 điểm, song ở 6 lần trước đó chỉ số đều chỉ chạm đến mốc này rồi giảm điểm. Phiên 24/2 có sự khác biệt khi VN-Index đóng cửa ở mốc cao nhất ngày”, ông nói.
Bên cạnh đó, vị chuyên gia này cũng chỉ ra dòng tiền ở phiên 24/2 cũng rất mạnh với 4 nhóm cổ phiếu có mức tăng cao nhất trên 2% là thép, điện, dược phẩm và chứng khoán.
Đáng chú ý, đà bán ròng của khối ngoại phiên 24/2 chỉ ở mức vài trăm tỷ, đây là mức khá thấp so với giá trị bán ròng lên đến hàng ngàn tỷ đồng ở những lần vượt mốc 1.300 trước đó của VN-Index. Đà bán ròng không quá lớn từ khối ngoại đã không tạo áp lực lớn với thị trường.
“Tôi nghĩ 1.300 vẫn là vùng cản lớn với thị trường chứng khoán, song lần vượt này của VN-Index có tính thuyết phục hơn và mở ra kỳ vọng sẽ giữ vững được mốc này trong thời gian tới”, ông Minh khẳng định.
Động lực nào để VN-Index tiến xa hơn?
Dòng tiền trên TTCK có sự kỳ vọng lớn khi chứng kiến hàng loạt chính sách quan trọng được thông qua tại kỳ họp Quốc hội bất thường lần thứ 9 như: Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên; chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; hay một số cơ chế, chính sách đặc biệt đầu tư xây dựng dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận…
Động lực với thị trường còn đến từ Đề án sửa đổi Quy hoạch điện VIII; Bộ Công thương với quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá (CBPG) tạm thời đối với một số sản phẩm thép cán nóng (HRC) có xuất xứ từ Trung Quốc, trong khi Ấn Độ không bị áp dụng; hay gần nhất là một số dự án địa ốc được gỡ vướng về mặt pháp lý…
Ngoài ra, nhà đầu tư còn kỳ vọng vào “game” niêm yết mới như Vinpearl, TCBS hoặc chuyển sàn từ UPCOM, HNX sang HOSE; và câu chuyện nâng hạng khi về cơ bản TTCK Việt Nam đã đạt được các tiêu chí nâng hạng theo yêu cầu của FTSE Russell…
Xét về mặt định giá, P/E VN-Index hiện ở khoảng gần 12,9 lần, mức thấp trung bình 5 năm là 14 lần. P/E chỉ số chính cũng kém xa mức P/E đỉnh lịch sử năm 2018 (22 lần). Nếu tính theo trung bình 5 năm, VN-Index giao dịch ở mức 1.400 điểm.
“Tôi nghĩ thị trường vẫn còn dư địa tăng với P/E forward dự phóng 2025 ở mức hơn 11 lần. Như vậy, kết hợp lợi nhuận doanh nghiệp thì định giá thị trường ở mức khá rẻ”, ông Minh đánh giá.
Đối với chiến lược giao dịch, Giám đốc phân tích Chứng khoán Yuanta Việt Nam khuyến nghị nhà đầu tư quan sát nhóm cổ phiếu ngân hàng. “Tôi kỳ vọng tổng thể NIM (biên lãi ròng) các nhà băng trong năm 2025 sẽ tăng so với 2024. Từ giữa năm 2025, tình hình tín dụng sẽ có thể chảy vào bất động sản, tài chính, lãi cho vay ra cải thiện hơn từ nửa cuối năm. Tựu chung lại, các ngân hàng sẽ có một năm 2025 tăng trưởng tốt và có thể tốt hơn năm 2024”, ông Minh nói.
Nhóm cổ phiếu thứ hai có thể xét đến là chứng khoán với kỳ vọng từ nâng hạng chứng khoán, định giá tốt với P/B chỉ loanh quanh 1 lần; nhóm bất động sản khu công nghiệp với câu chuyện hút vốn FDI; bên cạnh đó có một số lĩnh vực khác như thép, vận tải, hóa chất…





