Để thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 57-NQ/TW năm 2024 đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, thời gian tới ngành Dự trữ Nhà nước sẽ triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp nhằm đáp ứng các mục tiêu phát triển Chính phủ số, kinh tế số mà Chính phủ và Bộ Tài chính đã đặt ra cho giai đoạn 2025 đến năm 2030.
Hệ thống giám sát tập trung kho hàng dự trữ quốc gia đã được triển khai thí điểm tại điểm kho dự trữ Việt Trì.
Nhiều công nghệ "phủ sóng" toàn hệ thống dự trữ nhà nước
Chia sẻ với phóng viên, ông Phạm Toàn Thắng – Trưởng ban Công nghệ thông tin, Cục Dự trữ Nhà nước cho rằng, nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị cùng sự chỉ đạo sát sao của Bộ Tài chính trong đầu tư và triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, Cục đã hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, đồng thời từng bước xây dựng hệ thống thông tin liên thông từ cơ sở đến trung ương trên toàn hệ thống.
Nhằm đảm bảo phù hợp với lộ trình phát triển chính phủ số, sử dụng tối đa thành quả của Cách mạng công nghiệp 4.0, Cục Dự trữ Nhà nước đã chủ động áp dụng các thành quả công nghệ của cách mạng công nghiệp 4.0 từ trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT) đến blockchain để xây dựng hệ thống kho thông minh, kế thừa kết quả triển khai chính phủ điện tử từng bước thực hiện chuyển đổi số ngành Tài chính, cung cấp các dịch vụ tài chính số, tham gia tích cực vào sự phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.
Cục Dự trữ Nhà nước đẩy mạnh việc xây dựng, triển khai các ứng dụng, hệ thống thông tin chuyên ngành như: Tổ chức thực hiện hệ thống thông tin quản lý văn bản và điều hành, phần mềm quản lý văn bản và điều hành được triển khai theo hình thức thuê dịch vụ (thay thế phần mềm EdocTC vận hành tại Tổng cục Dự trữ Nhà nước từ năm 2015) và được các đơn vị trong toàn ngành áp dụng triển khai.
Cục Dự trữ Nhà nước đã thực hiện nâng cấp hệ thống kế toán nội bộ đáp ứng chế độ kế toán dự trữ quốc gia; đồng thời, ban hành quy trình nghiệp vụ áp dụng trên phần mềm kế toán nội bộ theo các quy định của Bộ Tài chính. Bên cạnh đó, đơn vị xây dựng Hệ thống Quản lý nghiệp vụ dự trữ quốc gia bao gồm 4 nghiệp vụ chính: kế hoạch, tài chính, quản lý hàng, bảo quản.
Hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin tại các đơn vị trong toàn hệ thống được đầu tư xây dựng và hoàn thiện từ năm 2016, hệ thống mạng của các đơn vị được triển khai kết nối với hạ tầng truyền thông của ngành Tài chính đảm bảo việc truyền tải thông tin giữa các đơn vị của Cục Dự trữ Nhà nước với các đơn vị khác trong ngành Tài chính. Các giải pháp về an toàn thông tin, an ninh mạng đã được triển khai tại các đơn vị trong toàn hệ thống. Những giải pháp được triển khai tạo thành một kiến trúc tổng thể bảo vệ dữ liệu hệ thống ứng dụng, người dùng cuối phù hợp đặc thù hệ thống mạng tại các đơn vị của Cục Dự trữ Nhà nước.
Hệ thống Quản lý vật tư hàng hóa đã sớm được xây dựng và đưa vào khai thác sử dụng từ năm 2010 và được nâng cấp năm 2022, hệ thống phần mềm đã hỗ trợ các đơn vị quản lý các nghiệp vụ về nhập mua, xuất bán, xuất cứu trợ, viện đảm bảo theo dõi tiến độ nhập/xuất hàng ngày chi tiết đến từng ngăn lô kho bảo quản hàng và các báo cáo nhập, xuất, tồn hàng của từng đơn vị.
Triển khai đồng bộ, toàn diện các nhiệm vụ về chuyển đổi số
Theo Phó Cục trưởng Cục Dự trữ Nhà nước Nguyễn Thị Phố Giang, phát huy kết quả đạt được, cũng như thực hiện các mục tiêu đã đề ra tại Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, đồng thời thực hiện có hiệu quả kế hoạch chuyển đổi số của Bộ Tài chính năm 2025 (tại Quyết định số 1754/QĐ-BTC ngày 14/5/2025, lãnh đạo Cục Dự trữ Nhà nước tiếp tục chỉ đạo triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về chuyển đổi số theo từng giai đoạn với các mục tiêu cụ thể.
Theo đó, trong giai đoạn 2025 - 2026, Cục Dự trữ Nhà nước triển khai xây dựng Kiến trúc tổng thể hệ thống thông tin ngành Dự trữ Nhà nước với 3 mục tiêu chính là: Đạt chuẩn về nội dung, kỹ thuật và định hướng quản lý của ngành Dự trữ Nhà nước; bảo đảm tính liên thông, tích hợp, kế thừa và mở rộng khi triển khai các hệ thống thông tin sau này; đồng bộ hóa với Kiến trúc hệ thống thông tin của Bộ Tài chính và tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành.
Giai đoạn 2025 - 2030, Cục Dự trữ Nhà nước xây dựng trung tâm giám sát điều hành hệ thống kho đáp ứng yêu cầu công nghệ bảo quản hàng dự trữ quốc gia gắn với môi trường chuyển đổi số, nhằm đáp ứng một số mục tiêu cơ bản như: Chuẩn hóa hệ thống kho tàng dự trữ quốc gia chuyên dụng bảo quản đáp ứng quy định về quy chuẩn, tiêu chuẩn hàng dự trữ quốc gia tương ứng từng nhóm hàng dự trữ quốc gia. Giải pháp công nghệ tích hợp trên các loại hình kho dự trữ quốc gia gắn với từng nhóm hàng dự trữ quốc gia; phương án tích hợp với hệ thống phần mềm trên nền tảng số để quản lý giám sát và điều hành toàn bộ hệ thống kho dự trữ quốc gia.
Việc trang bị hạ tầng kỹ thuật phục vụ triển khai hệ thống trung tâm giám sát điều hành hệ thống kho, đáp ứng yêu cầu công nghệ bảo quản hàng dự trữ quốc gia, đáp ứng quy trình nghiệp vụ trong công tác bảo quản và yêu cầu chuyển đổi số ngành Dự trữ Nhà nước. Mục tiêu đảm bảo liên thông, tích hợp dữ liệu và bảo mật cao; đảm bảo tính sẵn sàng, ổn định, thông suốt của hệ thống thông tin dự trữ nhà nước, phục vụ hoạt động nghiệp vụ và điều hành từ trung ương đến chi cục, kho hàng trên toàn quốc. Đồng thời, hình thành Trung tâm vận hành an toàn thông tin (SOC) tích hợp với hệ thống giám sát kỹ thuật, giám sát dữ liệu và cảnh báo sớm, đảm bảo khả năng phát hiện - phản ứng - phục hồi khi có sự cố.





