Hãy là người đầu tiên thích bài này
Lạm phát năm 2025 trong tầm kiểm soát

Năm 2025 nhiều khả năng sẽ là năm thứ 11 liên tiếp Việt Nam kiểm soát thành công lạm phát ở mức dưới 4%.

Áp lực lạm phát không quá lớn

Các số liệu mới được Cục Thống kê, Bộ Tài chính, công bố cho thấy nền kinh tế Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2025 tiếp tục quá trình phục hồi mạnh mẽ bắt đầu từ quý II/2024. Tăng trưởng GDP quý II/2025 đã đạt mức 7,96% so với cùng kỳ, 6 tháng đầu năm đạt 7,52%, là mức cao nhất kể từ năm 2011 đến nay.

Đáng chú ý, tăng trưởng GDP cao trong nửa đầu năm 2025 đạt được chủ yếu dựa vào các động lực như tiêu dùng (tăng 7,95%) và đầu tư (tăng 7,98%), thay vì dựa vào xuất khẩu như một năm về trước.

Cùng với tăng trưởng kinh tế đạt mức cao, các cân đối vĩ mô vẫn được duy trì ổn định. Lạm phát (CPI) trung bình 6 tháng đầu năm 2025 vẫn được kiểm soát ở mức hợp lý là 3,27%, thấp hơn mức mục tiêu 4-4,5% rất nhiều.

Phát biểu tại "Hội thảo Diễn biến thị trường giá cả 6 tháng đầu năm và dự báo giá cả năm 2025" được tổ chức mới đây, TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) cho biết, áp lực lạm phát trong nửa đầu năm 2025 chủ yếu đến từ nhóm dịch vụ y tế (tăng 18,07% do Nhà nước điều chỉnh giá từ ngày 17/10/2024) và nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng (tăng 5,73%).

Trong 6 tháng đầu năm 2025, đặc biệt từ quý II/2025, trước sức ép từ chính sách thuế quan của Mỹ, tỷ giá USD/VND bình quân đã tăng 3,3% so với cùng kỳ, đồng thời gây áp lực lên giá cả. Tuy nhiên, giá hàng hóa cơ bản trên thế giới lại có xu hướng giảm, nên về tổng thể, chỉ số giá hàng hóa nhập khẩu đã giảm 1,57 % (chủ yếu do giá nhiên liệu giảm 7,29%) đã giúp giảm áp lực lạm phát.

"Về tổng thể, có thể nhận định rằng áp lực lạm phát trong 6 tháng đầu năm 2025 không quá lớn, mặc dù cao hơn mức trung bình của giai đoạn 2015-2024", TS. Nguyễn Đức Độ đánh giá.

Thuế đối ứng của Mỹ sẽ cản đà tăng giá

Mặc dù các kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm 2025 rất tích cực, song PGS-TS. Nguyễn Đào Tùng, Giám đốc Học viện Tài chính cho rằng thách thức trong 6 tháng cuối năm là không nhỏ.

Thứ nhất, bối cảnh kinh tế thế giới trong thời gian tới được dự báo không thuận lợi, cùng với những căng thẳng về thương mại do chính sách thuế quan của Mỹ, kinh tế thế giới được dự báo sẽ tăng trưởng chậm lại, tạo ra những thách thức to lớn đối với xuất khẩu và sản xuất của Việt Nam.

Thứ hai, trong nước, việc cung tiền, tỷ giá tăng tương đối nhanh trong nửa đầu năm 2025 có thể gây sức ép lên giá cả trong thời gian tới.

Theo ông, điểm thuận lợi là giá cả hàng hóa cơ bản trên thế giới được dự báo sẽ khó tăng mạnh trong bối cảnh triển vọng kinh tế toàn cầu kém lạc quan.

Phân tích về các yếu tố tác động đến lạm phát 6 tháng cuối năm, TS, Nguyễn Đức Độ cho rằng áp lực lạm phát sẽ không lớn do các yếu tố tác động khiến giá cả tăng/giảm sẽ đan xen nhau.

Về các yếu tố khiến giá cả tăng, trước tiên phải kể đến tỷ giá. Trong 6 tháng đầu năm 2025, tỷ giá USD/VND đã tăng tương đối mạnh, bất chấp đồng USD có xu hướng giảm giá trên thị trường quốc tế. Điều này trái với quy luật thông thường, chẳng hạn như trong 6 tháng cuối năm 2024 chỉ số DXY và tỷ giá USD/VND biến động cùng chiều.

Nguyên nhân chính khiến tỷ giá USD/VND biến động ngược chiều với chỉ số DXY trong năm 2025 là do chính sách tăng thuế nhập khẩu của Mỹ dẫn đến lo ngại xuất khẩu của Việt Nam bị ảnh hưởng tiêu cực, khiến nguồn cung USD sụt giảm.

Ngoài ra, chính sách thuế quan mới của Mỹ được dự báo cũng khiến lạm phát tại nước này giảm chậm, do đó lãi suất tại Mỹ sẽ được duy trì ở mức cao trong một thời gian dài hơn. Chênh lệch lãi suất giữa USD và VND cao sẽ tiếp tục tạo sức ép lên tỷ giá.

"Với việc chính sách thuế quan của Mỹ vẫn còn nhiều bất định, đồng thời mức thuế nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam cao hơn so với trước đây, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ sẽ gặp nhiều thách thức trong nửa cuối năm 2025 và gây sức ép lên tỷ giá và lạm phát", TS. Nguyễn Đức Độ phân tích.

Một yếu tố khác cũng gây sức ép lên giá cả trong 6 tháng cuối năm 2025 là việc cung tiền và tín dụng tăng mạnh. Trong 6 tháng đầu năm 2025, tổng phương tiện thanh toán đã tăng 7,09% so với cuối năm 2024, còn tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt tăng gần 10%. Với định hướng tăng trưởng tín dụng trong cả năm 2025 là 16%, đồng thời Chính phủ yêu cầu Ngân hàng nhà nước duy trì mặt bằng lãi suất thấp để hỗ trợ tăng trưởng GDP đạt 8% năm 2025, nhiều khả năng cung tiền sẽ tiếp tục tăng nhanh hơn tốc độ tăng GDP danh nghĩa khá nhiều và gây sức ép lên giá cả thời gian tới.


Kinh tế thế giới được dự báo sẽ tăng trưởng chậm lại, tạo ra những thách thức to lớn đối với xuất khẩu và sản xuất của Việt Nam. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Mặc dù vậy, trong nửa cuối năm 2025 cũng có nhiều yếu tố giúp kiềm chế lạm phát.

Trước tiên, việc xuất khẩu gặp nhiều thách thức tại thị trường Mỹ (do thuế quan) cũng như tại các thị trường khác (do tăng trưởng kinh tế thấp) sẽ khiến nguồn cung hàng hóa trong nước dồi dào hơn, giúp giảm áp lực lạm phát.

Một yếu tố thuận lợi khác là giá các hàng hóa cơ bản đang có xu hướng giảm trong bối cảnh kinh tế toàn cầu được dự báo tăng trưởng chậm lại đáng kể do thuế quan.

"Nói cách khác, những thách thức đối với tăng trưởng của Việt Nam và thế giới cũng sẽ đồng thời là các yếu tố giúp cản đà tăng của giá cả trong nửa cuối năm 2025", vị chuyên gia phân tích.

CPI năm 2025 vẫn trong tầm kiểm soát

Với việc các yếu tố tác động CPI tăng/giảm đan xen, TS. Nguyễn Đức Độ nhận định áp lực lạm phát trong nửa cuối năm 2025 không lớn hơn nhiều so với mức trung bình của giai đoạn 2015-2024. Do vậy, tốc độ tăng CPI trong nửa cuối năm 2025 được dự báo cũng sẽ không lớn.

Theo đó, với giả định CPI trong 6 tháng cuối năm 2025 sẽ tăng trung bình 0,27%/tháng, tương đương mức tăng trung bình trong 6 tháng cuối năm của giai đoạn 2015-2024, lạm phát trung bình cả năm 2025 được dự báo ở mức 3,4%.

Trong trường hợp căng thẳng thương mại giữa Mỹ và các đối tác lớn kéo dài và dẫn đến suy thoái kinh tế toàn cầu, giá các hàng hóa cơ bản giảm mạnh, lạm phát trung bình cả năm 2025 có thể chỉ ở mức 3%.

"Năm 2025 nhiều khả năng sẽ là năm thứ 11 liên tiếp Việt Nam kiểm soát thành công lạm phát ở mức dưới 4%. Mặc dù lạm phát trung bình cả năm 2025 được dự báo sẽ xoay quanh mức 3,4%, các áp lực từ tỷ giá và tăng trường tín dụng đến lạm phát cần được theo dõi sát sao để có chính sách kiểm soát lạm phát phù hợp..." TS Nguyễn Đức Độ nhấn mạnh.

Ông Phạm Minh Thụy, Viện Kinh tế - Tài chính cũng dự báo CPI bình quân năm 2025 so với năm 2024 sẽ tăng ở mức từ 3,3%- 3,9%. Lý do chính là bởi giá bình quân các loại hàng hóa trên thị trường thế giới năm 2025 có thể sẽ giảm từ 4-7% so với năm 2024 (trong đó giá dầu thô có thể giảm từ 6-10%); Kinh tế thế giới có thể có những bất ổn, khó lường; Ở Việt Nam, các cơ quan có thẩm quyền có thể sẽ điều chỉnh giá một số mặt hàng nhà nước quản lý theo lộ trình đã định trước (giá điện, y tế, giáo dục, các hàng hóa gây tác động xấu tới môi trường...)...

Đưa ra ba kịch bản CPI năm 2025, trong đó kịch bản cơ sở dự báo CPI dao động 4–4,5%, phù hợp mục tiêu Quốc hội, chuyên gia Kinh tế PGS-TS. Ngô Trí Long cũng cho rằng, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp: Tiếp tục điều hành tiền tệ linh hoạt; Kiểm soát chi phí đầu vào; Giữ ổn định tỷ giá và giá xăng dầu; Cải thiện giải ngân đầu tư công; Tăng minh bạch thông tin và truyền thông chính sách nhất quán.

"Kiểm soát lạm phát không chỉ là nhiệm vụ ngắn hạn mà còn là nền tảng đảm bảo ổn định vĩ mô và phục hồi bền vững của nền kinh tế…", chuyên gia Ngô Trí Long nhấn mạnh.

Thanh Thanh-Link gốc

Bình luận (4)

Tiền mất giá hơn 10% so với usd, vật liệu dịch vụ tăng phi mã, điện tăng 10% so với năm trc, ... Thế mà vẫn tính ra lạm phát có 4%, khả năng dân ở nhà ko ăn tiêu gì rồi 😂😂
17:21
Cơ sở để bơm tiền ra ngoài. Thủ tướng bảo để tăng trưởng phải hi sinh một phần lạm phát, mà nay lạm phát dưới 4 thì quá tự tin để bơm tiền.
17:35
Kiểm soát trên ti vi , kiểm soát bằng khẩu hiệu nhé😂
18:26

FIREANT MEDIA AND DIGITAL SERVICE JOINT STOCK COMPANY

Giấy phép MXH số 251/GP-BTTTT do Bộ TTTT cấp ngày 23/05/2022
Chịu trách nhiệm nội dung: Ngô Minh Long. Hotline: 1900.633.543