SỰ LỚN LÊN CỦA TÀI SẢN
Đặt câu chuyện thành tích trading năm nay sang một bên, vì nếu nhắc ở thời điểm bây giờ có lẽ nhiều người sẽ lại nghĩ đến tại sao mình lại chưa bằng người khác, anh em có dám nhìn thẳng vào sự thật cho năm nay?
Nghĩ lại hành trình từ đầu năm 2023 tới giờ nếu ôm và nắm giữ một mã cổ phiếu sẽ như thế nào? Cứ cho là giai đoạn từ tháng 1 đến cuối tháng 3 đầu tư rất khó vì biến động thị trường thế giới thời điểm đó là cực kì khó đoán khi các ngân hàng lớn thế giới lần lượt thông báo phá sản, đến chính cả những người hiểu biết nhất về tài chính cũng đã dự đoán sẽ có suy thoái kinh tế.
Vậy nếu coi như là bắt đầu từ tháng 4/2023 chúng ta bắt đầu đầu tư, giả dụ ôm một vài cổ phiếu:
- PVS nền giá 25-26 => thời điểm hiện tại giá 36.8 tăng trưởng 45%
- FRT nền giá 55 => thời điểm hiện tại giá 97.5 tăng trưởng 74%
- DGC nền giá 50 => thời điểm hiện tại giá 95 tăng trưởng 80%
- SSI nền giá 20 => thời điểm hiện tại giá 32.95 tăng trưởng 58%
- KBC nền giá 24 => thời điểm hiện tại giá 31.65 tăng trưởng 40%
- DGW nền giá 33 => thời điểm hiện tại giá 58 tăng trưởng 75%
- STB nền giá 25 => Thời điểm hiện tại giá 30.95 tăng trưởng 23.9%
- VCG nền giá 18 => thời điểm hiện tại 25.5 tăng trưởng 40.95%
....
Tất nhiên còn rất nhiều cổ phiếu khác tuỳ vào sự chú ý của mỗi người.
Rồi bắt đầu quay lại so sánh với tỷ suất lợi nhuận của cá nhân năm nay đi. Cá nhân mình tin mọi người sẽ có góc nhìn khác về hiệu quả đầu tư của việc nắm giữ so với lướt lát từ mã này tới mã khác.
Nhưng không hẳn việc đánh lướt là không đúng, điều này là cần thiết vì nó sẽ giải toả tâm lý rất nhiều cho người nắm giữ, cứ thử nhìn ví dụ quý II, con sóng nhà ở xã hội khi có thông tin về giải ngân gói 120k tỷ thì HQC IJC ... tăng giá rất mạnh mà mình không nắm giữ cổ phiếu nào đương nhiên áp lực sẽ có, từ đó dẫn đến việc tâm lý & hành động không đúng. Tý nữa mình sẽ đề cập về phần này sau. Nhưng tóm lại việc mua & nắm giữ vẫn có tỷ suất tốt nhất khi xu hướng tăng được đảm bảo.
Năm nay cá nhân mình tập trung vào nhóm dầu khí thượng nguồn từ đầu năm, đến giờ vẫn vậy. Tất cả các mã còn lại đều dành tỷ trọng thấp hơn hoặc đánh lướt. Được mỗi 2 mã thành công nhất: PVB 13.5 tới 23.5 chốt. PVS từ 25 tới 34 chốt. Thời điểm hiện tại mình vẫn phải mua đuổi giá những cổ phiếu này cho đoạn sau. Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến quyết định mình bán cổ phiếu đoạn giữa tháng 8 và tháng 9 vừa rồi, cũng giống như vậy thì việc nắm giữ thường sẽ cực kì khó & cần sự kiên nhẫn rất lớn của người mua cổ phiếu. Mình cũng là người thường thôi, từ sau đoạn tháng 4-5 bắt đầu sóng là mình đã nói với cả team là có khả năng giữa tháng 8 đầu tháng 9 phải nghỉ, nhưng chính mặc dù chuẩn bị như vậy nhưng đoạn vừa rồi cũng gặp rất nhiều bấp bênh từ cú giảm ngày 18/8 đến đoạn giảm gần đây vào cuối tháng 9 đầu tháng 10.
Như vậy nếu không tốn phí giao dịch nhiều mà tài sản vẫn tự lớn thì vẫn tốt hơn rất nhiều so với việc trading liên tục mà lại không biết mình đang đúng hay sai. Giống như câu nói của Jesse Livermore từng nói: “Tiền chỉ được kiếm ra khi chờ đợi, không phải khi giao dịch”
1. NHỮNG YẾU TỐ NÀO KHIẾN VIỆC NẮM GIỮ TRỞ NÊN BẤT KHẢ THI
Những ý tưởng về việc chạy theo dòng tiền thông minh trên thị trường chỉ đặc biệt hữu dụng với một số cá nhân cực kì xuất sắc & nhạy bén. Mình thừa nhận bản thân cũng không nằm trong số này, nhưng đã từng có cơ hội gặp được những người như vậy.
Một ví dụ lý tưởng là đầu năm đánh sóng đầu tư công ăn VCG PC1 PLC KSB,... sau đó chuyển qua đánh sóng nhà ở xã hội HQC IJC TCH,... sau đó lại chuyển qua đánh sóng chứng khoán bđs nhờ chính sách giảm lãi suất SSI FTS VIX DIG CEO.... rồi chuyển qua đánh sóng dầu khí PVS PVB...rồi xong chuyển sang đầu cơ với nhóm bất động sản NVL PDR DXG rồi cuối cùng lại chuyển qua đánh sóng hàng cơ bản bán lẻ / phân bón FRT DGC DCM...
Nghe hợp lý quá mà chắc chỉ có một số rất ít cực kì kiệt xuất trên thị trường mới làm được, thôi thì cứ loại bỏ mình ra khỏi số 1% đó đi. Cứ cho là bất khả thi với việc đi tiền ngắn mà cực kì chính xác được như vậy thì yếu tố khiến nhà đầu tư luôn nhảy liên tục đó là:
- Không biết mình đang mua cổ phiếu này bởi vì lý do gì.
=> Mình nghĩ đây là nguyên nhân cơ bản, Livermore cũng từng nói rằng: Thành công chỉ thực sự đến khi bạn mua cổ phiếu với chính những phân tích của mình chứ không phải của một ai khác. Mà điều này trên thị trường chắc hoàn toàn ngược lại, đa số đề dựa trên phân tích của người khác mà không tìm hiểu xem lý do tại sao cổ phiếu lại tăng & những biến động vĩ mô sẽ tác động như thế nào đến nhóm ngành này trong tương lai. Cứ vậy là bị cuốn vào trò chơi quay phí, ít hôm thì mua thằng A xong t+ về chốt mua thằng B, xong lại chuyển qua thằng C,...quay cuồng.
- Thích lợi nhuận nhanh hơn phải chờ đợi.
=> Ở đây nói về sự kiên nhẫn, nếu ngày hôm đó mà cổ người khác trần mà cổ mình tham chiếu hoặc đỏ là bắt đầu hơi cay cú và mất kiên nhẫn. Chứ còn nếu mà vài hôm thôi mà cổ phiếu chưa tăng thì thôi bán bỏ cho rồi đi tìm mã khác. Đúng, cái này tâm lý chung chứ không của riêng ai. Khi cầm cổ ai không muốn tăng. Nhưng Jesse Livermore vẫn đúng: “Tiền chỉ được kiếm ra khi chờ đợi, không phải khi giao dịch”
- Đứng núi này trông núi nọ.
=> Cổ phiếu A tăng giá được một đoạn, ngược lại cổ phiếu mình chưa tăng nên đâm ra lo ngại và bán đảo hàng. Tuy nhiên vừa bán xong thì cổ mình phi như ngựa còn cổ A thì điều chỉnh hoặc sideway. Trường hợp này gặp khá nhiều. Cũng không có lý giải nào cho trường hợp này được, bởi trên thị trường lúc nào cũng có rất nhiều cơ hội, căn bản phải tin vào lựa chọn của mình.
2. NHỮNG CỔ PHIẾU NÀO ĐƯỢC CHỌN ĐỂ HOLD NẮM GIỮ?
- Những tiêu chí quan trọng đã được đề cập trong bài viết: “ NAME SELECTION” – Những cổ phiếu được chọn. Viết ra thì bài viết dài quá nên mình tóm tắt một số ý quan trọng để anh em cân nhắc:
Thứ 1: Có nền tảng cơ bản tốt, như lợi nhuận & doanh thu tăng trưởng đều, ít nhất là làm phải có lợi nhuận, hoặc dự báo phải có lợi nhuận trong tương lai. Thuộc top các cổ phiếu đầu ngành, đừng chơi hàng rác, hàng mà làm ăn không ra thể thống gì, suốt ngày đếm cua có bao nhiêu tài sản, tài sản mà không quy ra được lợi nhuận mà cứ suốt ngày đêm ra đếm không có lợi ích gì. Hoặc hàng có sự cố như đang tranh chấp, pháp lý, hoặc kiện cáo cũng nên né.
Thứ 2: Hàng phải có thanh khoản, chơi hàng không có thanh khoản nó tuột rất nhanh, mấy con penny ngày giao dịch có vài trăm triệu hoặc vài tỷ/ngày thì khi thị trường vào pha điều chỉnh rất dễ tuột xích và giảm khá sâu.
Thứ 3: Xu hướng ngành – trong tương lai 1 quý, 2 quý, 3 quý tới có câu chuyện để kỳ vọng không? Nếu có thì chơi còn xấu quá thì thôi đừng ôm kì vọng. Phải hiểu con nào để đầu tư, con nào để đầu cơ. Ví dụ:
Chứng khoán là ngành mang tính thị trường, uptrend nó lên, thanh khoản lên. Nhưng nếu thanh khoản giảm thì lợi nhuận sẽ nhanh chóng giảm tương ứng. Đặc biệt dạng đếm cua theo doanh mục tự doanh thì lại càng nhanh hẹo, vì cả bầy lên thì nó lên, còn cả bầy giảm thì giảm chổng vó. Kiểu APS nắm IDJ, API rồi kéo hai con kia thì APS lên. Đó là tiết mục chơi được khi thị trường uptrend, còn nếu điều chỉnh hoặc xu hướng đảo chiều thì nó là mồ chôn tập thể. Nên Chứng khoán là ngành mang tính chu kỳ theo thị trường, không phải hàng để đầu tư dài hạn, có thể đầu tư theo sóng. Lên bao nhiêu thì căn bản nó cũng có thể xuống bấy nhiêu.
Thứ 4: Lợi nhuận trong tương lai
Cái này rất quan trọng, thậm chí là quan trọng nhất để định hướng nắm giữ. Nếu trong tương lai lợi nhuận vẫn còn tăng, thậm chí tăng 2,3 lần. Và xu hướng này nó không bị ảnh hưởng bởi cái yếu tố ngắn hạn thì ôm.
Ví dụ: các cổ phiếu sản xuất mà có ảnh hưởng bởi giá đầu vào và đầu ra như thép thì phải đánh giá được xu hướng giá thép trong 1,2 quý tới như nào. Giá phân bón có điều kiện gì có thể khiến giá phân bón đảo chiều hay không? Giá thuỷ sản trong tương lai thế nào có rủi ro nào không. Phân tích kĩ đầu vào & đầu ra tác động lên lợi nhuận doanh nghiệp thì có thể nắm giữ được
Ngoài ra, yếu tố lợi nhuận đi liền với các biến động vĩ mô, ví dụ Ấn Độ có lệnh cấm xuất khẩu đường sẽ làm giá đường tăng, tác động lên biên lợi nhuận ngành đường
3. TIMING CHU KỲ THỊ TRƯỜNG ĐỂ TĂNG HẠ TỶ TRỌNG, CHIA TÀI KHOẢN THÀNH 3 PHẦN, 2 PHẦN ĐÁNH TRUNG HẠN VÀ MỘT PHẦN ĐÁNH ĐẦU CƠ DỰ PHÒNG
- Thời gian vừa rồi trong năm 2023 mình dành khá nhiều thời gian đi tìm hiểu về tính chu kỳ của thị trường & các cổ phiếu. Nó khá sát với các mô hình dự báo thời điểm đảo chiều thị trường và cổ phiếu ví dụ như thời gian vừa rồi thị trường tăng từ tháng 4, hay giảm mạnh vào giữa tháng 8 đầu tháng 9, hay tiếp tục tới đây là một pha phục hồi ngắn ở đầu tháng 10 đến đầu tháng 11 và tiếp tục pha giảm hoặc tích luỹ đến cuối tháng 12 cuối năm 2023 để bắt đầu cho chu kỳ mới năm 2024. Trên đây chỉ là những dự báo theo chu kỳ. Về phương pháp chắc là thời gian khác để nói không phải trong topic này.
- Việc tận dụng những chu kỳ thị trường giúp tăng giảm tỷ trọng hợp lý, ví dụ đợt rồi mình bán PVS vùng 34 nhưng sau đó lại phải mua lại ở vùng 36-37 hiện nay. Đó là một số trường hợp cổ phiếu quá mạnh so với mức điều chỉnh của thị trường chung. Tuy nhiên về trung hạn thì việc này đảm bảo bạn tương đối an toàn trong những nhịp khác nếu cổ phiếu không đủ gượng lại khi thị trường điều chỉnh hoặc vào pha giảm.
- Mình có xu hướng chia tài khoản làm 3 phần, 2 phần mình dành để đầu tư trung hạn, nghĩa là mua và có xu hướng nắm giữ dài, phần còn lại tuỳ vào thời điểm mình có thể nắm giữ 100% cash, hoặc đánh các cổ phiếu đầu cơ theo biến động chính sách & xu hướng ngành hoặc theo thuần kĩ thuật mà không cần cơ bản. Tổng kết lại mình thường thấy phần đem lại lợi nhuận cho mình nhiều nhất lại là phần trung hạn, còn phần đánh đầu cơ thì cũng tuỳ thời điểm, ăn có mà mất tiền cũng có.
4. Quan trọng nhất: ĐẦU TƯ VỚI TÂM THẾ THOẢI MÁI
- Quan trọng nhất trong bài viết này, mình muốn đề cập đến một điều quan trọng giúp bạn hoàn toàn tự tin trong đầu tư đó là sẵn sàng chấp nhận thua khi vào thị trường. Một khi đã mua cổ phiếu hoặc bước chân vào thị trường là nó có khả năng rủi ro, không thể nào không rủi ro được vì bản chất thị trường tài chính được xây dựng bởi tâm lý & kỳ vọng, nó không phải thuật toán hay công thức mà bất kì ai tính toán cũng đều chính xác.
Nên khi đầu tư, mình thấy một người sẽ khác biệt hoàn toàn với đám đông nếu bạn chuẩn bị sẵn sàng tâm lý có thể bị mất số tiền đầu tư mà không ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình, thì cuộc chiến trường kì về lâu dài mình tin người kiên nhẫn sẽ chiến thắng cuối cùng.
Còn nếu đầu tư với tâm lý thấp thỏm lo lắng, không biết ngày mai giảm 2% mình mất mấy chục triệu hoặc vài trăm triệu thì cả nhà mình sẽ đi về đâu, ăn uống thế nào. Nếu cuộc chơi mà nó ảnh hưởng đến cơm áo gạo tiền trong gia đình hoặc bạn không có một công việc chính bù đắp thu nhập thì sẽ rất căng thẳng về tâm lý dẫn đến không thể vượt qua được những biến động ngắn hạn. Nếu gặp trường hợp này thì bạn nên giảm qui mô vị thế lại, và đầu tư ở mức vừa phải để thoải mái tâm lý và nắm giữ cổ phiếu ở thời gian lâu hơn.
Cảm ơn đã đọc bài viết!
Cổ phiếu theo dõi: PVS, NTL, DGC, PVT, HUT, FRT, SSI
Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo dựa trên góc nhìn thị trường của cá nhân. Cảm ơn đã theo dõi!
Bình luận (46)





