Hơn 50% người Đức được hỏi cho biết muốn rời bỏ đất nước nếu có cơ hội.
Lễ kỷ niệm 80 năm ngày kết thúc Thế chiến II tại Berlin, Đức, ngày 8.5.2025. Ảnh: Xinhua
Một cuộc khảo sát mới đây do YouGov thực hiện và được báo Die Welt đăng tải đã khiến dư luận Đức xôn xao: hơn một nửa số người được hỏi cho biết họ muốn rời khỏi đất nước nếu có cơ hội.
31% người được hỏi khẳng định họ "chắc chắn" sẽ chuyển ra nước ngoài nếu không bị ràng buộc bởi công việc, tài chính hay hoàn cảnh cá nhân.
Thêm 27% người khác được hỏi nói "có lẽ" sẽ làm vậy. Trong khi đó, chỉ 15% người được hỏi cho biết chắc chắn sẽ không rời khỏi Đức, và 22% do dự "có lẽ không".
Đáng chú ý, 36% những người đang cân nhắc rời đi cho biết họ nghĩ đến chuyện này thường xuyên hơn trong những tháng gần đây.
Trong nhóm muốn rời đi, lý do phổ biến nhất là lo ngại về tình hình nhập cư, với 61% chọn đây là nguyên nhân chính.
Không dừng lại ở đó, 41% nêu tình trạng suy thoái kinh tế kéo dài, khiến Đức trở thành nền kinh tế duy nhất trong nhóm G7 không tăng trưởng trong 2 năm liên tiếp.
Vấn đề chính trị cũng gây quan ngại sâu sắc, khi 29% lo ngại sự trỗi dậy của đảng cực hữu AfD, còn 22% sợ nguy cơ xung đột quân sự từ phía Nga.
12% bày tỏ lo lắng về việc Mỹ - dưới thời Tổng thống Donald Trump - sẽ giảm cam kết bảo vệ châu Âu. Đặc biệt, 36% chọn “các lý do khác”, phản ánh tâm lý bất mãn lan rộng và đa dạng trong xã hội Đức.
Với mong muốn rời khỏi quê nhà, người Đức có xu hướng chọn những điểm đến “an toàn và quen thuộc”. Dẫn đầu danh sách là Thụy Sĩ (30%) và Áo (23%), những nước cùng nói tiếng Đức.
Tây Ban Nha (22%) và Canada (17%) cũng được nhiều người lựa chọn vì khí hậu ôn hòa, chất lượng sống cao và chính sách nhập cư thân thiện.
Từng được ca ngợi là “đầu tàu châu Âu”, Đức đang đối mặt với thực tế đáng lo ngại: nền kinh tế trì trệ, mâu thuẫn xã hội tăng cao, và áp lực nhập cư ngày càng lớn. Trong năm 2024, nước này đã tiếp nhận hơn 237.000 đơn xin tị nạn, chiếm hơn 25% tổng số đơn của toàn khối EU.
Người tị nạn lên máy bay đến Đức tại sân bay quốc tế Athens ở Athens, Hy Lạp, ngày 16.10.2020. Ảnh: Xinhua
Để đối phó với làn sóng này, chính phủ mới dưới thời Thủ tướng Friedrich Merz đã siết chặt kiểm soát biên giới, chấm dứt chính sách mở cửa từng được Thủ tướng Angela Merkel thực hiện vào năm 2015. Tuy nhiên, những nỗ lực này dường như chưa đủ để xoa dịu lo ngại của người dân.
Kết quả khảo sát phản ánh một xã hội đang mất niềm tin vào tương lai, nơi mà ngay cả những công dân có học vấn và thu nhập ổn định cũng không còn cảm thấy gắn bó.
Trong bối cảnh nền kinh tế tiếp tục giậm chân tại chỗ (IMF dự báo kinh tế Đức chỉ tăng trưởng 0,1% trong năm 2025), và các mâu thuẫn nội tại ngày càng sâu sắc, chính phủ Đức rõ ràng đang đứng trước bài toán hóc búa: Làm sao để giữ chân chính người dân của mình?
Bình luận (1)





