Hãy là người đầu tiên thích bài này
Dragon Capital: 'Các công ty niêm yết Việt Nam gần như không liên quan đến hàng hóa trung chuyển'
Theo dữ liệu từ Dragon Capital, chỉ khoảng 1,5% doanh thu các công ty trong chỉ số VN-Index đến từ xuất khẩu sang Hoa Kỳ, gần như không liên quan đến hàng hóa trung chuyển.
 
 
Như Nhadautu.vn đã đề cập, sau cuộc điện đàm với Tổng Bí thư Tô Lâm vào tối thứ Tư (ngày 2/7), Tổng thống Donald Trump tuyên bố Hoa Kỳ đã đạt được thỏa thuận về thuế đối ứng với Việt Nam và đây cũng là thỏa thuận đầu tiên của Hoa Kỳ với một quốc gia trong khu vực Đông Nam Á.
 
Theo đó, mức thuế bình quân 20% mà Hoa Kỳ áp lên hàng nhập khẩu từ Việt Nam phù hợp với kỳ vọng của thị trường và là một cải thiện đáng kể so với mức thuế đối ứng 46% được ông Trump công bố vào ngày 2/4.
 
Chỉ số VN-Index đã phản ứng tích cực ở phiên giao dịch Thứ Sáu (4/7) khi tăng hơn 5 điểm (tương đương 0,36%) đạt 1.386,97 điểm, điểm nhấn đến từ sắc xanh bao phủ toàn thị trường với 204 mã tăng và 101 cổ phiếu giảm điểm.
 
Thống kê cũng cho thấy ngoại trừ hóa chất (-0,71%), bất động sản (-0,67%) – chủ yếu do lực kéo của VIC, và đồ dùng cá nhân, đồ gia dụng (-0,49%), các lĩnh vực còn lại đều tăng điểm rất tốt. Trong đó, tích cực nhất là công nghệ (3,39%), bảo hiểm (1,79%), viễn thông (1,6%).
 
Theo đánh giá từ các chuyên gia Dragon Capital, tác động dự kiến đến GDP Việt Nam của mức thuế quan mới hiện thấp hơn đáng kể so với mức giảm 1,4–2% mà Dragon Capital từng dự báo theo kịch bản áp thuế 46%. Những tác động bất lợi thường chỉ xảy ra khi thuế ở mức rất cao, vì vậy mức thuế 20% hiện tại có thể được coi là một diễn biến kinh tế có thể kiểm soát được.
 
Về trung hạn, Dragon Capital cho rằng các yếu tố cơ bản của kinh tế Việt Nam vẫn ổn định, với lợi thế cạnh tranh cốt lõi không thay đổi. Các cải cách quan trọng đang được đẩy mạnh, chuỗi cung ứng vẫn tiếp tục dịch chuyển vào Việt Nam và năng lực tài khóa của quốc gia vẫn là một lợi thế.
 
Ngoài ra, trong khuôn khổ đàm phán giữa Tổng thống Donald Trump và Tổng Bí thư Tô Lâm, Việt Nam đã đề xuất để Hoa Kỳ chính thức công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường và dỡ bỏ hạn chế xuất khẩu đối với một số sản phẩm công nghệ cao. Nếu được thông qua, điều này có thể giúp tăng cả khối lượng và biên lợi nhuận của hàng hóa xuất khẩu sang Hoa Kỳ.
 
Xét về thị trường chứng khoán, Dragon Capital cho rằng tác động trực tiếp đến lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết là không đáng kể. Theo Dragon Capital, chỉ khoảng 1,5% doanh thu các công ty trong chỉ số VN-Index đến từ xuất khẩu sang Hoa Kỳ, gần như không liên quan đến hàng hóa trung chuyển.
 
Ngoài ra, kinh tế nội địa chiếm hơn 85% doanh thu của các doanh nghiệp niêm yết. Bên cạnh đó, khối ngân hàng, chiếm khoảng 37% vốn hóa của VN-Index và 60% tổng lợi nhuận, có mức độ tiếp xúc tín dụng rất thấp với dòng vốn FDI liên quan xuất khẩu, và lợi nhuận gần như hoàn toàn đến từ cho vay tiêu dùng, tín dụng nội địa và đầu tư vốn trong nước.
 
"Việt Nam vẫn hút mạnh FDI nếu mức thuế không cao hơn 10% so với các nước khác"
 
Ở góc nhìn của mình, các chuyên gia VinaCapital kỳ vọng rằng thỏa thuận cuối cùng sẽ áp dụng mức thuế theo từng nhóm sản phẩm, trong đó các sản phẩm được sản xuất 100% tại Việt Nam sẽ chịu mức thuế thấp hơn đáng kể.
 
Dù tuyên bố mang bước đầu tích cực, song VinaCapital không kỳ vọng sẽ tạo ra tác động lớn đối với nền kinh tế trong ngắn hạn, do xuất khẩu sang Hoa Kỳ dự kiến sẽ chững lại trong nửa cuối năm 2025 sau khi đã tăng gần 30% trong nửa đầu năm – phần lớn do các nhà bán lẻ Mỹ tăng mạnh mua hàng trong thời gian 90 ngày tạm ngưng áp dụng thuế đối ứng.
 
 
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam vẫn duy trì ở mức rất cao, với tổng FDI đăng ký trong 6 tháng đầu năm 2025 đạt hơn 21,51 tỷ USD, tăng 32,6% so với cùng kỳ. Đây cũng là số vốn đăng ký cao nhất so với cùng kỳ kể từ năm 2009.
 
Trong bối cảnh chưa có thỏa thuận cuối cùng, VinaCapital cho rằng chỉ cần mức thuế áp lên hàng Việt Nam không cao hơn 10% so với các nước trong khu vực, thì các lợi thế về chất lượng lao động, chi phí, nhân khẩu học và vị trí địa lý vẫn tiếp tục giúp Việt Nam giữ vững vị thế là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà sản xuất toàn cầu và dòng vốn FDI trong nhiều năm tới.
 
VinaCapital cũng khẳng định tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2025 sẽ chủ yếu được thúc đẩy bởi các yếu tố nội tại như tăng chi đầu tư công cho hạ tầng, sự phục hồi của thị trường bất động sản, cùng với các sáng kiến và cải cách hành chính quan trọng – được một số chuyên gia gọi là “Đổi Mới 2.0”.
 

Bình luận (35)

Mức độ của sản phẩm như thế nào thì được xem là trung chuyển? Vd như, Nguyên liệu nhập chiếm bao nhiêu % của tỷ lệ thành phẩm là thuộc không trung chuyển.
12:15
Bảo sao khối ngoại mua kinh vậy. Lỡ bán rồi thì làm sao bây giờ
12:17
One Xu sâu sắc
12:23

FIREANT MEDIA AND DIGITAL SERVICE JOINT STOCK COMPANY

Giấy phép MXH số 251/GP-BTTTT do Bộ TTTT cấp ngày 23/05/2022
Chịu trách nhiệm nội dung: Ngô Minh Long. Hotline: 1900.633.543