Nghị quyết 68 đã cho phép chủ động khắc phục hậu quả trước, sau đó, mới tính toán hậu quả để xem xét có cần áp dụng các biện pháp xử lý tiếp theo hay không.
Hội thảo khoa học "Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế". Ảnh: DNVN
Ngày 26/5, Tạp chí Điện tử Doanh nhân Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học "Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế".
PGS-TS. Nguyễn Trọng Điều, Chủ tịch Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam nhận định, Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân là cuộc "Đổi mới lần 2", cột mốc lịch sử, bước đột phá trong lịch sử phát triển của kinh tế tư nhân.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, kinh tế tư nhân - khu vực từng phải đối mặt với nhiều băn khoăn, nghi ngại - được đặt vào vị trí trung tâm của nền công vụ kiến tạo, phục vụ. "Lần đầu tiên trong lịch sử, kinh tế tư nhân được trao trọng trách là “một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế”. Chúng tôi nhận thấy, hiếm có Nghị quyết nào của Đảng có tính chi tiết và hướng dẫn thực thi cao đến như vậy", Chủ tịch Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam chia sẻ.
Tuy nhiên, ông Điều cũng cho biết, những tư duy đột phá đặt ra những yêu cầu đặc biệt quan trọng cho nhiệm vụ thể chế hóa, tổ chức thực hiện để Nghị quyết thực sự trở thành "sợi chỉ đỏ" dẫn dắt nhận thức và hành động của cả dân tộc mà không để tạo ra những lỗ hổng mới trong chính sách và pháp luật, không dẫn đến những xung đột lợi ích trong các khu vực kinh tế hay giữa doanh nhân với xã hội.
Đồng quan điểm, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội cho biết, để nhanh chóng thể chế hóa, đưa Nghị quyết 68 sớm đi vào cuộc sống, ngày 17/5/2025, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 198 về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân.
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội. Ảnh: DNVV.
"Nghị quyết 68 bây giờ chỉ là "cái mũ", còn những điều cụ thể đã được thể chế hóa tại Nghị quyết 198. Nghị quyết 198 mang tính quy phạm, có hiệu lực thi hành ngay từ ngày được Quốc hội thông qua. Điều này khắc phục được tình trạng chính sách, chủ trương bị chậm trễ do phải chờ sửa luật", ông Hiếu nói.
Những điểm khác biệt của Nghị quyết 68
Nêu một vài điểm đột phá của Nghị quyết 68, ông Hiếu cho biết, một là quy định thanh tra, kiểm tra phải dựa trên nguyên tắc, không quá một lần trong 1 năm, tránh trùng lặp, đã thanh tra thì không kiểm tra.
Thứ hai, về hỗ trợ lãi suất. Chính phủ sẽ chi tiền hỗ trợ 2% lãi suất cho các dự án xanh, tuần hoàn. Tuy nhiên, việc thực thi cụ thể cần phải có tiêu chí rõ ràng. Ngân hàng Nhà nước sẽ phải sửa đổi các quy định liên quan.
Thứ ba là tinh thần "chủ động khắc phục hậu quả", ông Hiếu nhấn mạnh, quy định đã rất khác biệt. Thông thường, trước đây, khi xử lý một trách nhiệm nào đó, việc chủ động khắc phục hậu quả được coi là tình tiết giảm nhẹ hoặc tăng nặng. Nhưng đến Nghị quyết 68 đã cho phép chủ động khắc phục hậu quả trước, sau đó, mới tính toán hậu quả để xem xét có cần áp dụng các biện pháp xử lý tiếp theo hay không. "Bản chất vấn đề đã hoàn toàn khác và đây là một điểm rất quý giá của Nghị quyết".
Về quan điểm với doanh nghiệp vừa và nhỏ. Theo quy định mới, tất cả các gói thầu xây lắp dưới 20 tỷ đồng chỉ dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia đấu thầu với nhau. Nếu họ không đấu thầu được thì mới dành cho doanh nghiệp lớn.
Nghị quyết cũng quy định, các khu, cụm công nghiệp bắt buộc phải dành ít nhất 20 ha trên một khu trung bình hoặc 5 ha trên toàn bộ khu vực cho doanh nghiệp vừa và nhỏ thuê và Nhà nước sẽ hỗ trợ 30% tiền thuê. Trước đây, doanh nghiệp nhỏ đến khu công nghiệp thuê đất, họ thường không được cho thuê vì diện tích nhỏ, tiền thuê ít.
Đối với các doanh nghiệp lớn, chúng ta sẵn sàng chấp nhận cơ chế đặt hàng, đấu thầu hạn chế, chỉ định thầu, nhưng phải dựa trên nguyên tắc minh bạch, giám sát chặt chẽ, thưởng phạt công minh.
Lưu ý thêm về điểm mới "quý giá" của Nghị quyết, ông Hiếu cho biết, về vấn đề chủ động khắc phục hậu quả, Nghị quyết còn quy định rõ, trong việc xử lý và đưa tin về các vụ việc vi phạm của doanh nghiệp, phải tách bạch giữa trách nhiệm của cá nhân và trách nhiệm của doanh nghiệp.
Theo đó, doanh nghiệp là một chủ thể khác, có tài sản, có người lao động và có hoạt động sản xuất kinh doanh. Việc xử lý các vụ việc phải tách bạch tài sản của doanh nghiệp với chủ doanh nghiệp. Nếu là cá nhân chủ doanh nghiệp vi phạm thì không được đánh đồng với doanh nghiệp để tránh gây thiệt hại đến sự phát triển ổn định và bền vững của doanh nghiệp, cũng như duy trì được quyền của doanh nghiệp.
Cuối cùng, ông Hiếu nhấn mạnh, thành công của Nghị quyết sẽ phụ thuộc rất lớn vào việc thực thi mạnh mẽ trên thực tế.
Với doanh nghiệp tư nhân, ông Hiếu lưu ý, đây không phải là "bữa trưa miễn phí", nếu cứ lạc hậu, chậm đổi mới, thì doanh nghiệp hôm nay lớn, ngày mai có thể chỉ còn là cái bóng. Ngược lại, nếu doanh nghiệp sáng tạo, thích ứng tốt thì cơ hội để bứt phá, vươn lên. Vì vậy, đây là cơ hội nhưng thách thức cũng không hề nhỏ.
Bình luận (2)





