Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Xuân cho rằng, mức xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ theo luật hiện hành chưa đủ mạnh để răn đe.
Đại biểu Nguyễn Thị Xuân kiến nghị tăng mức phạt tiền vi phạm hành chính lĩnh vực an toàn giao thông đường bộ. Ảnh: Vân Trang
Tại buổi thảo luận Tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính diễn ra ngày 16.5, đại biểu Nguyễn Thị Xuân phân tích:
"Mức phạt hiện nay chưa đủ sức răn đe, đặc biệt là với các hành vi vi phạm nghiêm trọng hoặc cố ý vi phạm. Báo chí, mạng xã hội thường xuyên đưa tin các trường hợp lái xe cố tình đi ngược chiều trên đường cao tốc - nơi có mật độ và tốc độ phương tiện rất cao. Nếu xảy ra va chạm trong những trường hợp này, hậu quả là cực kỳ nghiêm trọng".
Qua phân tích trên, đại biểu Nguyễn Thị Xuân đề nghị nâng mức phạt vi phạm giao thông tối đa từ 75 triệu đồng hiện nay lên 150 - 200 triệu đồng.
Rất đồng ý với đại biểu Nguyễn Thị Xuân về xử phạt thật nghiêm để nâng cao ý thức chấp hành giao thông. Tuy nhiên, với mức phạt 200 triệu đồng, cần phải xem xét có phù hợp hay không.
Trước hết là ngưỡng thu nhập của người dân. Theo công bố của Tổng cục Thống kê Quý 4/2024, mức thu nhập bình quân của lao động Việt Nam năm 2024 là 7,7 triệu đồng/tháng.
Nếu xử phạt cao gấp nhiều lần mức thu nhập bình quân của người dân thì sẽ không phù hợp và khả thi vì đa số người dân không đủ khả năng nộp phạt.
Cũng có ý kiến cho rằng, cứ đưa mức phạt cao để ai cũng phải sợ, muốn không mất tiền thì chấp hành nghiêm quy định của pháp luật giao thông.
Nói như vậy không sai, nhưng cũng có những trường hợp vi phạm không cố tình, do sơ suất, do mất tập trung. Nếu bị phạt quá cao, sẽ trở thành gánh nặng tài chính cho cá nhân và gia đình. Một người lái xe thuê, bị phạt cao, mất chục tháng lương thì lấy gì nuôi vợ con.
Chưa kể, hạ tầng giao thông hiện nay còn lạc hậu, xe cộ lưu thông khó khăn. Biển báo giao thông bị che khuất, đèn tín hiệu giao thông còn có nơi bị lỗi,... nên có thể dẫn đến việc lái xe vi phạm.
Với người nghèo, họ sẽ không nộp phạt, không phải vì họ không chấp hành, mà vì họ không có tiền. Cho nên, quy định cần bám sát thực tế để người dân tuân thủ pháp luật và có khả năng chấp hành quyết định xử phạt hành chính nếu vi phạm. Như vậy, luật mới đi vào đời sống, tạo ra hiệu quả trong xã hội.
Để giao thông an toàn, văn minh, không chỉ xử phạt nặng mà cần làm thật tốt những việc khác. Đó là xây dựng hạ tầng giao thông hiện đại và tuyên truyền giáo dục văn hóa giao thông sâu rộng, có thực chất.
Link gốc
Bình luận (73)





