Hãy là người đầu tiên thích bài này
Có nên đầu tư vào cổ phiếu dầu khí?
Với không ít nhà đầu tư, cổ phiếu dầu khí luôn mang lại sức hút riêng biệt. Tuy nhiên, đầu tư vào cổ phiếu dầu khí là một “game” không dễ để kiếm tiền, bởi giá cổ phiếu thường chạy theo xu hướng giá dầu.
 
Theo quan sát, ngay từ những phiên giữa tháng 5, cổ phiếu dầu khí liên tục gây bất ngờ khi mạnh mẽ vươn lên bứt phá, đi ngược xu hướng của thị trường chung, hỗ trợ chỉ số chung.
 
Động lực từ giá dầu
 
Chẳng hạn, trong phiên thị trường giảm điểm ngày 31/5 mới đây, VN-Index giảm 1,24 điểm với độ rộng nghiêng về bên bán, kết thúc chuỗi tăng 5 phiên liên tiếp, song cổ phiếu dầu khí vẫn đồng loạt tăng phi mã.

 
Giá dầu liên tục neo ở mức cao hỗ trợ cho nhóm cổ phiếu dầu khí liên tục thăng hoa và các doanh nghiệp dầu khí lãi lớn. (Ảnh: Int)
 
Nổi bật nhất phải kể đến "anh cả" ngành khí: GAS (PV Gas) tăng kịch trần lên 117.700 đồng/cp trong tình trạng trắng bên bán để gồng gánh chỉ số. Các mã khác như PLX (Petrolimex), BSR (Lọc hóa dầu Bình Sơn), PVS (Dịch vụ kỹ thuật dầu khí), PVD (PV Drilling, PVB (Bọc ống dầu khí), PVC (Pvchem), PVT (PV Trans),... cũng đều tăng mạnh cùng thanh khoản cao.
 
Tiếp đó, trong phiên 1/6, thị trường tăng điểm nhưng trong trạng thái “xanh vỏ đỏ lòng”, độ rộng tiếp tục nghiêng về bên bán, GAS vẫn ở vị trí dẫn dắt thị trường với mức tăng 2,8% lên 121.000 đồng/cp, tiệm cận mức đỉnh cũ đầu tháng 3 vừa qua là 177.000 đồng/cp. Các cổ phiếu khác thuộc nhóm dầu khí như BSR, PVS, PVD, POW (PV Power), OIL (PV Oil), PVC, PLX cũng ngập trong sắc xanh.
 
Trước đó, trong các phiên như 30/5, 25/5, 23/5, 17/5..., cổ phiếu dầu khí cũng cho thấy sự xuất sắc nổi trội so với nhiều nhóm còn lại.
 
Theo đánh giá của giới phân tích, do căng thẳng Nga - Ukraine kéo dài, các lệnh trừng phạt, lo ngại khoảng 3 triệu thùng dầu của Nga bị loại khỏi thị trường, trong khi hầu như không có thay đổi trong chính sách cắt giảm sản lượng của OPEC, khiến giá dầu liên tục leo thang. Đây cũng là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy cổ phiếu dầu khí thăng hoa trong thời gian qua.
 
Cụ thể, giá dầu WTI và Brent đã chạm ngưỡng cao nhất kể từ đầu tháng 3. Như trong phiên giao dịch ngày 1/6 vừa qua (giờ Việt Nam), giá dầu Brent có lúc tăng lên 117,27 USD/thùng và dầu thô WTI của Mỹ có thời điểm lên đến 116,22 USD/thùng.
 
“Giá dầu cao có lợi cho các cổ phiếu dầu khí. Trong đó, GAS được hưởng lợi do giá dầu tác động trực tiếp đến giá khí đầu ra. BSR sẽ được hưởng lợi từ mức chênh lệch cao giữa giá đầu vào và đầu ra trong khi PVS, PVD cũng có tiềm năng tăng nhẹ”, Chứng khoán Bản Việt (VCSC) nhận định.
 
Trước đó, khi cuộc xung đột Nga – Ukraine bùng nổ, nhóm dầu khí cũng trở thành một chủ đề quan tâm lớn của giới đầu tư. Thời điểm đó, giá dầu thế giới tăng mạnh lên mức cao nhất gần một thập kỷ đẩy nhóm cổ phiếu dầu khí tăng dựng đứng do dòng tiền đầu cơ ngắn hạn liên tục tìm đến.
 
Doanh nghiệp lãi lớn vẫn dè dặt đặt kế hoạch kinh doanh
 
Số liệu thu, chi ngân sách nhà nước tháng 3 và quý I/2022 do Bộ Tài chính công bố cho thấy, giá dầu bình quân quý I/2022 đạt khoảng 90 USD/thùng, tăng 30 USD/thùng so với dự toán và tăng 59,5% so với cùng kỳ năm 2021.
 
Có thể thấy, giá dầu liên tục duy trì ở mức cao không những tác động tích cực đến giá cổ phiếu mà còn giúp nhiều doanh nghiệp có kết quả kinh doanh 3 tháng đầu năm 2022 khởi sắc, sau 2 năm chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19.
 
Chẳng hạn, PV Oil công bố kết quả kinh doanh với 17.800 tỷ đồng doanh thu và 295 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng lần lượt 50% và 43% so với cùng kỳ.
 
Tương tự, Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam ghi nhận doanh thu đạt 3.769,4 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 250,29 tỷ đồng, tăng 44,2% và 52,9%.
 
Trong khi đó, Petrolimex báo cáo kết quả kinh doanh với doanh thu tăng mạnh, song lợi nhuận lại giảm sâu. Cụ thể, quý I/2022, Petrolimex mang về 67.000 tỷ đồng doanh thu, tăng 75% so với cùng kỳ; lãi ròng giảm 63% xuống mức 243 tỷ đồng.
 
Thực tế, ngay trước khi có kết quả kinh doanh quý I, các doanh nghiệp dầu khí dường như đã thấy trước được kết quả khả quan. Bởi kể từ ngày 18/1/2022, giá dầu Brent luôn duy trì ở mức trên 83 USD/thùng - mức cao nhất của năm 2021 - trước khi vượt mốc 90 USD/thùng ngày 14/2 và mốc 100 USD/thùng vào ngày 1/3. Giá dầu Brent đã có lúc đạt 131 USD/thùng vào ngày 7/3/2022, tăng 69% so với đầu năm, đánh dấu mức cao nhất kể từ tháng 7/2008.
 
Tuy nhiên, giá dầu cao vẫn không thể giúp nhiều doanh nghiệp dầu khí trở mình. Điển hình như CTCP Kết cấu Kim loại và Lắp máy dầu khí (PXS) công bố lỗ ròng gần 8 tỷ đồng. Thậm chí, cổ phiếu của doanh nghiệp còn bị hủy niêm yết bắt buộc từ ngày 24/6/2022 do báo cáo tài chính 3 năm liên tiếp (2019, 2020, 2021) nhận ý kiến ngoại trừ của kiểm toán. Ngày giao dịch cuối cùng của PXS trên HoSE là 23/6/2022.
 
Hay như CTCP Tổng công ty Xây lắp Dầu khí Nghệ An (PVA) sẽ tạm dừng kinh doanh từ ngày 22/5/2022 đến ngày 22/5/2023 do gặp khó khăn trong kinh doanh, không còn khả năng duy trì hoạt động.
 
Kết thúc 3 tháng đầu năm, Dầu khí Nghệ An tiếp tục không ghi nhận doanh thu, dẫn đến lỗ sau thuế gần 190 triệu đồng. Lỗ lũy kế tại thời điểm 31/3/2022 của Công ty lên đến gần 282 tỷ đồng, vượt mức vốn chủ sở hữu thực góp là 218,5 tỷ đồng.
 
Đây có lẽ cũng là một trong nhiều lý do khiến các doanh nghiệp dầu khí thận trọng trong việc đặt kế hoạch kinh doanh năm 2022.
 
Sau năm 2021 kinh doanh lãi kỷ lục, Lọc hoá dầu Bình Sơn đặt kế hoạch năm 2022 với tổng doanh thu hơn 91.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.400 tỷ đồng, giảm lần lượt 10% và 79% so với năm 2021. Lọc hoá dầu Bình Sơn cũng là doanh nghiệp lên kế hoạch dè dặt nhất (theo tỷ lệ) ngành dầu khí.
 
Tương tự, PV Gas cũng đặt kế hoạch đi lùi so với năm 2021 với doanh thu đạt 80.043 tỷ đồng, giảm nhẹ 0,2% so và lợi nhuận sau thuế đạt 7.039 tỷ đồng, giảm tới 20% so với kết quả năm ngoái. Đây cũng là mức lợi nhuận kế hoạch thấp nhất của doanh nghiệp trong vòng 10 năm nay.
 
Nhận xét về kế hoạch của nhóm dầu khí, giới phân tích cho rằng có phần thái quá, thiên về mục đích giúp doanh nghiệp làm đẹp các thông số tài chính đến thời điểm hết năm 2022. Chẳng hạn, ngay trong quý I, Lọc hóa dầu Bình Sơn đã lãi tới 2.312 tỷ đồng, vượt 78% kế hoạch cả năm 2022. Lũy kế 5 tháng, doanh nghiệp lãi 6.764 tỷ đồng, vượt xa kế hoạch năm.
 
Một số ý kiến khác lại cho rằng, những bất ổn trên thế giới vẫn chưa thấy hồi kết, diễn biến giá dầu từ nay đến cuối năm vẫn còn là một dấu hỏi. Vì vậy, các doanh nghiệp đặt kế hoạch thận trọng cũng là điều dễ hiểu.
 
Tuy nhiên, “trong trường hợp căng thẳng Nga – Ukraine tiếp tục leo thang, giá dầu sẽ khó có thể điều chỉnh giảm, và sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao trong thời gian tới”, Chứng khoán BIDV (BSC) đánh giá.
 
Đầu tư sao cho hợp lý?
 
Cũng theo dự báo của BSC, hầu hết doanh nghiệp trong ngành dầu khí sẽ có tăng trưởng lợi nhuận năm 2022 ở mức từ hai đến ba chữ số.
 
Tương tự, trong một báo cáo phát hành gần đây, SSI Research cho rằng, giá dầu bình quân năm 2022 dự báo ở mức 95 USD/thùng, chu kỳ tăng của giá dầu đã bắt đầu, mở ra triển vọng lạc quan hơn cho ngành dầu khí.
 
“Giá dầu neo cao như hiện nay sẽ dẫn đến các cổ phiếu đầu ngành được hưởng lợi như BSR, PVD, PVS, GAS…, song nhà đầu tư phải rất nhanh nhạy khi đầu tư nhóm này, bởi giá dầu biến động cực nhanh trong khi nhu cầu tiêu thụ lại phụ thuộc vào tình hình căng thẳng trên thế giới”, bà Nguyễn Thị Thu Dung, Giám đốc kinh doanh CTCP Chứng khoán SSI lưu ý.
 
Dễ dàng nhận thấy, thông thường, giá cổ phiếu dầu khí tương quan rất chặt chẽ với giá dầu, hay nói cách khác, độ "nhạy" của giá cổ phiếu với giá dầu là rất cao. Vì vậy, việc đầu tư vào cổ phiếu dầu khí mang tính chất rủi ro khá cao.
 
TS. Võ Đình Trí, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, IPAG Business School (Paris) và AVSE Global nhận định, giá của một số loại hàng hóa thường tăng đột ngột khi có các xung đột về địa chính trị xảy ra, như là dầu hỏa hay các nguyên liệu thô. Song, các xung đột này thường không kéo dài, mà các bên sẽ sớm tìm ra được một giải pháp thỏa hiệp, nên mức giá của hàng hóa cũng sớm trở lại ở mốc trước khi khủng hoảng xảy ra. Trong ngắn hạn, những cú tăng đột ngột cũng thường đi kèm với những cú giảm đột ngột.
 
“Nhà đầu tư không chuyên nghiệp cần hết sức thận trọng với những cổ phiếu có biên độ dao động lớn, đừng để bị cuốn vào vòng xoáy tăng giá mà ẩn chứa rất nhiều rủi ro”, ông Trí nói.
 
Tương tự, ông Lã Giang Trung, CEO Passion Investment cũng từng đưa quan điểm từ kinh nghiệm cá nhân rằng, các đợt tăng giá cổ phiếu liên quan đến việc giá dầu rất ngắn hạn. Sau khi giá dầu dừng đà tăng và quay trở lại như cũ, giá cổ phiếu của những nhóm ngành liên quan cũng sẽ quay trở lại như cũ. Giá cổ phiếu tăng nhanh bao nhiêu sẽ giảm nhanh bấy nhiêu.
 
Đáng chú ý, dầu khí cũng là nhóm cổ phiếu mà nhà đầu tư nước ngoài không ưa thích. Thay vào đó, họ chọn công cụ khác để đầu tư vào nhóm ngành này như mua luôn hợp đồng tương lai giá dầu. Bởi nếu cổ phiếu chạy theo giá dầu thì sẽ rất rủi ro khi giá dầu bất ngờ giảm, trong khi đó nếu phán đoán được giá dầu thì phương pháp trên là khá hợp lý.
 
Như vậy, để đầu tư cổ phiếu dầu khí, ngoại trừ việc nhanh nhạy “chạy đua” với giá dầu, nhà đầu tư nên xem xét nhiều khía cạnh, đánh giá kỹ trước khi có quyết định đầu tư. Cùng với đó là đa dạng hóa danh mục đầu tư của mình, lựa chọn phương pháp đầu tư hợp lý đối với từng nhóm ngành cổ phiếu, hạn chế rủi ro tiềm ẩn.
 

Bình luận (29)

Ngày nào cũng ra tin là hiểu
09:20
 1
chim lợn hót lắm thế . k ăn được ghen ăn tức ở thì muôn đời k phất lên được đâu
09:34
sợ hải thì nó còn nên, khi nào thấy toàn comment tốt thì bán. mua khi sợ đái ra quần bán khi sướng tới đỉnh
11:26

FIREANT MEDIA AND DIGITAL SERVICE JOINT STOCK COMPANY

Giấy phép MXH số 251/GP-BTTTT do Bộ TTTT cấp ngày 23/05/2022
Chịu trách nhiệm nội dung: Ngô Minh Long