Các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đồng loạt giảm điểm khi lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ thiết lập đỉnh mới sau hơn một thập kỷ trước thềm cuộc họp của Cục Dự trữ liên bang (Fed)
Theo đó, chỉ số Dow Jones Industrial Average giảm 106,57 điểm, tương đương 0,31%, xuống 34.517,73 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,22% xuống 4.443,95 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite cũng giảm 0,23% xuống 13.678,19 điểm.
Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm chốt phiên ở ngưỡng 4,366%, cao nhất kể từ năm 2007. Trong khi đó, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm cũng chạm ngưỡng 5,109%, điều chưa từng xảy ra từ năm 2006.
Hiện tại, xác suất Fed không tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 9 này lên tới 99%, theo công cụ FedWatch của CME Group. Tuy nhiên, vẫn còn đó một bộ phận nhỏ nhà đầu tư vẫn tin rằng
Ngân hàng trung ương Mỹ sẽ làm điều ngược lại với một bước tăng lãi suất từ vùng 5,25-5,5% trong ngày 20/9 sau khi quốc gia láng giềng Canada ghi nhận lạm phát “nóng” hơn dự báo, qua đó làm gia tăng quan ngại về diễn biến áp lực giá cả, đặc biệt trong bối cảnh giá dầu liên tục đi lên thời gian qua.
Ngoài quyết định chính sách lãi suất, Fed cũng sẽ công bố báo cáo triển vọng kinh tế Mỹ trong vòng một vài năm tới. Đây là thông tin giúp hình thành nên kỳ vọng nơi nhà đầu tư về lộ trình lãi suất trong phần còn lại của năm nay cũng như năm 2024.
Việc lợi suất trái phiếu chính phủ liên tục lập đỉnh mới sau nhiều năm phần nào kéo giảm sức hấp dẫn của thị trường chứng khoán trong một vài tháng trở lại đây. Các quỹ thị trường tiền tệ, thường dùng tiền của khách hàng để mua trái phiếu chính phủ Mỹ, đưa ra mức lãi suất trên 5%, qua đó thu hút nhiều nhà đầu tư cổ phiếu.
Thị trường IPO vẫn thể hiện sức hấp dẫn trong năm nay với giá cổ phiếu của Instacart tăng hơn 12% ngay trong phiên chào sàn.
Còn trên thị trường năng lượng quốc tế, giá dầu hạ nhiệt sau khi thiết lập đỉnh 10 tháng mới trong phiên giao dịch 19/9.
Cụ thể, giá dầu Brent tương lai giảm 0,09 USD xuống 94,34 USD/thùng. Trước đó, có thời điểm giá mặt hàng này chạm ngưỡng 95,96 USD/thùng, cao nhất kể từ tháng 11/2022.
Trong khi đó, giá dầu WTI cũng giảm 0,28 USD xuống 91,2 USD/thùng sau khi chạm mốc 93,74 USD/thùng, cao nhất 10 tháng.
Sau khi giá dầu Brent vượt mốc 95 USD/thùng, ngân hàng đầu tư UBS cho biết họ bắt đầu chốt lời. Đây chính là nguồn cơn khiến giá dầu đảo chiều. Dù vậy, nhiều chiến lược gia trên thị trường vẫn kỳ vọng giá dầu Brent tiếp tục giao động trong khoảng 90-100 USD/thùng trong một vài tháng tới với mục tiêu cuối năm 2023 ở ngưỡng 95 USD/thùng.
Trước đó, giá dầu nối dài đà tăng sau khi Nga và Arab Saudi thông báo gia hạn kế hoạch cắt giảm sản lượng thêm 1,3 triệu thùng cho tới cuối năm nay.
Ở một diễn biến khác, Chính phủ Nga đang cân nhắc áp thuế xuất khẩu đối với tất cả các sản phẩm xăng, dầu ở ngưỡng 250 USD/tấn kể từ ngày 1/10 tới cho tới tháng 6/2024, theo Reuters.
Sản lượng dầu đá phiến tại các khu vực sản xuất trọng điểm được dự đoán giảm 9,393 triệu thùng/ngày trong tháng 10, đánh dấu tháng giảm thứ ba liên tiếp, theo Cơ quan thông tin Năng lượng Mỹ (EIA). Dữ liệu tồn kho năng lượng của nền kinh tế số một thế giới sẽ được cơ quan này công bố trong ngày 20/9. Hiện giới chuyên gia dự báo tồn kho dầu sụt giảm 2,7 triệu thùng sau khi bất ngờ tăng trong tuần liền kề trước đó.
Nguồn: Tổng hợp





