Hãy là người đầu tiên thích bài này
Chính thức có sandbox cho Fintech: Không thử nghiệm xuyên biên giới

Sau khoảng 4 năm thai nghén, các quy định về sandbox cho Fintech trong lĩnh vực ngân hàng đã chính thức được ban hành.

Chính phủ mới đây đã ban hành Nghị định số 94/2025/NĐ-CP quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) trong lĩnh vực ngân hàng, đối với việc triển khai sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới thông qua ứng dụng giải pháp công nghệ (gọi là giải pháp công nghệ tài chính), có hiệu lực từ ngày 1/7/2025.

Ba giải pháp công nghệ tài chính được tham gia thử nghiệm bao gồm chấm điểm tín dụng, chia sẻ dữ liệu qua giao diện lập trình ứng dụng mở (Open API) và cho vay ngang hàng (P2P Lending).

Các đối tượng áp dụng bao gồm tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng (không áp dụng đối với điểm c nêu trên); các công ty công nghệ tài chính; các cơ quan nhà nước có thẩm quyền; khách hàng và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến cơ chế thử nghiệm.

Việc ban hành cơ chế thử nghiệm nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo và hiện đại hóa lĩnh vực ngân hàng, qua đó hiện thực hóa mục tiêu phổ cập tài chính cho người dân và doanh nghiệp theo hướng minh bạch, thuận tiện, an toàn, hiệu quả với chi phí thấp.

Bên cạnh đó, việc ban hành cơ chế thử nghiệm sẽ tạo lập môi trường thử nghiệm nhằm đánh giá rủi ro, chi phí, lợi ích của giải pháp Fintech; hỗ trợ xây dựng, phát triển các giải pháp Fintech phù hợp với nhu cầu thị trường, khung khổ pháp lý, quy định quản lý. Hạn chế rủi ro xảy ra đối với khách hàng khi sử dụng các giải pháp Fintech do tổ chức tham gia cơ chế thử nghiệm cung cấp.

Theo Nghị định, kết quả thử nghiệm sẽ được sử dụng làm căn cứ thực tiễn để các cơ quan nhà nước có thẩm quyền nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện khung khổ pháp lý, quy định quản lý liên quan nếu cần thiết.

Nghị định nêu rõ, quá trình xét duyệt tổ chức tham gia cơ chế thử nghiệm đảm bảo tính minh bạch về tiêu chí và điều kiện, quy trình đánh giá, lựa chọn. Việc được tham gia cơ chế thử nghiệm không đồng nghĩa với việc tổ chức tham gia Cơ chế thử nghiệm sẽ đáp ứng các điều kiện kinh doanh và đầu tư khi pháp luật có quy định.

Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, công ty Fintech không có nhu cầu tham gia cơ chế thử nghiệm hoặc chưa được xét duyệt tham gia cơ chế thử nghiệm hoạt động và tuân thủ theo các quy định của pháp luật hiện hành về doanh nghiệp, đầu tư và pháp luật khác có liên quan.

Theo nội dung của Nghị định, thời gian thử nghiệm các giải pháp Fintech trong lĩnh vực ngân hàng là tối đa 2 năm, tuỳ từng giải pháp và lĩnh vực cụ thể tính từ thời điểm được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy chứng nhận tham gia. Tuy nhiên, thời gian thử nghiệm có thể được gia hạn theo quy định.

Thời hạn của Giấy chứng nhận tham gia Cơ chế thử nghiệm không vượt quá thời hạn (nếu có) của Giấy phép thành lập, Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của tổ chức tham gia cơ chế thử nghiệm.

Nghị định nhấn mạnh, việc triển khai thử nghiệm các giải pháp Fintech được giới hạn trên lãnh thổ Việt Nam, không được thực hiện thử nghiệm xuyên biên giới.

Đối với các công ty cung cấp dịch vụ P2P Lending, chỉ được thực hiện cung ứng giải pháp cho vay ngang hàng trong phạm vi thử nghiệm tại Giấy chứng nhận tham gia cơ chế thử nghiệm được Ngân hàng Nhà nước cấp cho công ty cho vay ngang hàng theo quy định tại Nghị định này.

Công ty cho vay ngang hàng tham gia cơ chế thử nghiệm không được thực hiện các hoạt động kinh doanh khác không được nêu tại Giấy chứng nhận tham gia cơ chế thử nghiệm, không được tự cung cấp biện pháp bảo đảm cho khoản vay của khách hàng, hoạt động với tư cách là khách hàng và cung ứng giải pháp cho vay ngang hàng cho công ty cầm đồ.

Tuỳ thuộc vào giải pháp Fintech và đề xuất cụ thể của tổ chức đăng ký tham gia Cơ chế thử nghiệm tại Hồ sơ đăng ký tham gia cơ chế thử nghiệm, ý kiến của các bộ, Ngân hàng Nhà nước sẽ quyết định phạm vi thử nghiệm của giải pháp Fintech thử nghiệm tại Giấy chứng nhận tham gia cơ chế thử nghiệm.

Như vậy sau khoảng 4 năm thai nghén, các quy định về sandbox cho Fintech trong lĩnh vực ngân hàng đã chính thức được ban hành. Tuy nhiên, giới phân tích đã gia tăng sự kỳ vọng, khi mong chờ cơ quan Nhà nước ban hành sandbox cho nhiều lĩnh vực hơn như bảo hiểm, tiền số, chứng khoán,…

Đặc biệt trong bối cảnh các dịch vụ số ngày càng phát triển, thì việc hành lang pháp lý được hoàn thiện đồng bộ với dòng chảy số hoá được đánh giá là cấp thiết. Trong gần 1 thập kỷ qua, sự xuất hiện của các Fintech đặt ra thách thức cho các cơ quan quản lý nhà nước vì chưa có quy định điều chỉnh các hoạt động này.

TS Trần Hùng Sơn cho rằng cần tách bạch các giải pháp Fintech cho ba mảng lớn là ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm, tương ứng với việc cấp phép thử nghiệm sẽ giao cho các cơ quan quản lý của các lĩnh vực này. Với định hướng xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại TP. HCM, trong đó trung tâm Fintech là một trong những trụ cột, thì việc triển khai sandbox cho hoạt động công nghệ tài chính được xem là một yếu tố thúc đẩy sự phát triển này.

Hải Đường

Link gốc

Bình luận

Chưa có bình luận
Hãy là người đầu tiên bình luận cho bài viết này.

FIREANT MEDIA AND DIGITAL SERVICE JOINT STOCK COMPANY

Giấy phép MXH số 251/GP-BTTTT do Bộ TTTT cấp ngày 23/05/2022
Chịu trách nhiệm nội dung: Ngô Minh Long. Hotline: 1900.633.543