Nợ xấu chưa phản ánh đầy đủ, trái phiếu bất động sản đáo hạn chiếm 64% toàn thị trường đang gây áp lực lớn lên hệ thống tài chính năm 2025.
Nợ xấu ngân hàng gia tăng và trái phiếu bất động sản đáo hạn chiếm tỉ trọng áp đảo trong năm nay.
Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội, trong báo cáo thẩm tra ngày 4.5.2025, đã cảnh báo rõ các rủi ro nổi bật đối với hệ thống tài chính – ngân hàng hiện nay, đặc biệt là tình trạng nợ xấu chưa phản ánh đầy đủ, cùng với áp lực từ trái phiếu bất động sản đáo hạn chiếm tỉ trọng lớn trong năm nay.
Tại nội dung thẩm tra về tình hình kinh tế – xã hội năm 2025, Ủy ban Kinh tế và Tài chính đánh giá: “Thị trường tài chính, tiền tệ và hệ thống ngân hàng cần được theo dõi sát để kịp thời kiểm soát các rủi ro phát sinh.”
Đáng chú ý, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ: Báo cáo đầy đủ hơn về nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu để có đánh giá toàn diện về áp lực nợ xấu và có giải pháp phù hợp.
Việc nhấn mạnh cần báo cáo đầy đủ hơn phản ánh rõ lo ngại rằng số liệu nợ xấu hiện tại có thể chưa phản ánh toàn diện thực trạng tài chính trong hệ thống ngân hàng.
Như Báo Lao động đã thông tin, tính đến cuối 2024, nợ nhóm 5 tại nhiều ngân hàng tăng vọt. Có ngân hàng ghi nhận mức tăng hơn 100%, tạo áp lực trích lập dự phòng lớn.
Cùng với cảnh báo về nợ xấu, báo cáo cũng nêu rõ một nguy cơ đáng quan ngại khác như áp lực đáo hạn trái phiếu bất động sản lớn, chiếm 64% tổng giá trị đáo hạn năm 2025.
Tỉ lệ này cho thấy thị trường trái phiếu tiếp tục phụ thuộc nhiều vào lĩnh vực bất động sản, vốn đang gặp nhiều khó khăn về thanh khoản, pháp lý và niềm tin nhà đầu tư.
Ủy ban Kinh tế và Tài chính nhận định, thị trường bất động sản đối mặt với nhiều khó khăn, cần giải pháp đồng bộ để phát triển bền vững và lành mạnh.
Việc đặt hai cảnh báo lớn về nợ xấu và trái phiếu bất động sản cạnh nhau, cùng lời kêu gọi có giải pháp phù hợp, cho thấy yêu cầu Chính phủ khẩn trương có chính sách ứng phó, nhằm đảm bảo an toàn hệ thống tài chính – tiền tệ, tránh ảnh hưởng lan rộng.
Theo ghi nhận của phóng viên, báo cáo tài chính bán niên 2024 của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) – đơn vị giữ vai trò gánh đỡ phần lớn nợ xấu từ các ngân hàng – cũng cho thấy những chỉ dấu đáng lưu ý.
Tổng dư nợ mua bằng trái phiếu đặc biệt (TPĐB) – công cụ chủ lực mà VAMC sử dụng để gom nợ xấu từ các tổ chức tín dụng – tính đến ngày 30.6.2024 vẫn còn hơn 89.329 tỉ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm nhưng vẫn ở mức cao. Trong khi đó, phải thu từ hoạt động mua bán nợ tăng lên 223 tỉ đồng, phần lớn đến từ các khoản nợ không còn được TPĐB bảo lãnh.
Tổng dư nợ mua bằng trái phiếu đặc biệt (TPĐB) – công cụ chủ lực mà VAMC sử dụng để gom nợ xấu từ các tổ chức tín dụng – tính đến ngày 30.6.2024 vẫn còn hơn 89.329 tỉ đồng. Nguồn ảnh trích chụp báo cáo tài chính VAMC bán niên 2024.
Dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của VAMC nửa đầu năm 2024 âm hơn 1.306 tỉ đồng, kéo theo tiền mặt và tương đương tiền giảm mạnh. Điều này đặt ra câu hỏi về khả năng tự tài trợ cho các hoạt động xử lý nợ tiếp theo, nhất là trong bối cảnh khối lượng nợ xấu chưa xử lý triệt để vẫn đang được "neo" tại đây.
Việc Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội đề nghị báo cáo rõ hơn về nợ đã bán cho VAMC nhưng chưa xử lý, cũng là lời nhắc nhở về độ trễ giữa việc chuyển giao nợ và việc thực sự làm “sạch” bảng cân đối của ngân hàng. Nếu không có giải pháp đồng bộ, nguy cơ nợ xấu tiềm ẩn chuyển thành nợ xấu thực tế sẽ gây sức ép lớn cho hệ thống.





